07/09/2024 16:47

Đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Gửi đến đâu, cách viết thế nào?

Đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản: Gửi đến đâu, cách viết thế nào?

Mẫu đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản năm 2024 là mẫu nào? Khi làm đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì nộp tại cơ quan nào?

1. Mẫu đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới nhất và hướng dẫn cách viết

Hiện nay, vấn nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang ngày càng xảy ra thường xuyên và nhiều thủ đoạn tinh vi như: Giả mạo công an, giả mạo nhân viên ngân hàng, giả mạo hỗ trợ đăng ký sinh trắc học,... Nếu như gặp những thủ đoạn lừa đảo này, cá nhân/tổ chức cần làm đơn tố cáo đi kèm với các chứng cứ chứng minh gửi đến cơ quan thẩm quyền để giải quyết vụ việc. Dưới đây là mẫu đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bạn đọc có thể tham khảo thêm:

Tải mẫu đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/don-to-cao-ldcdts.docx

- Hướng dẫn cách viết đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Khi viết đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cần phải lưu ý những điểm sau đây:

- Về thông tin cá nhân: Người viết cần ghi rõ, cụ thể, chính xác thông tin cá nhân để cơ quan thẩm quyền có thể liên hệ, trao đổi và yêu cầu cung cấp thêm thông tin trong quá trình giải quyết vụ việc.

- Về phần mô tả sự việc: Người viết cần đưa ra các mô tả chi tiết về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra; đồng thời cung cấp thông tin về người, tổ chức có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bất kỳ chi tiết nào khác có liên quan đến vụ việc mà bản thân biết rõ để giúp cơ quan thẩm quyền giải quyết, điều tra vụ việc.

- Cuối cùng, người viết phải đảm bảo rằng mọi thông tin cung cấp được ghi trên đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hoàn toàn chính xác, minh bạch, tránh việc vu oan cho người khác hoặc gây ảnh hưởng trong quá trình giải quyết vụ việc. Người làm đơn cũng cần cung cấp các bằng chứng chứng minh hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản để cơ quan chức năng có thể giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng.

2. Đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản gửi đến đâu?

Theo Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC thì các cơ quan, tổ chức sau có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:

+ Cơ quan điều tra;

+ Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

+ Viện kiểm sát các cấp;

+ Các cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Trong đó, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được quy định như sau:

- Các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;, trừ Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình.

- Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục.

Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:

Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;

b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

...

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, nếu nhận thấy có dấu hiệu về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể gửi đơn tố cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến các cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân cấp huyện tại nơi cư trú, tạm trú hoặc nơi phát hiện ra hành vi lừa đảo.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
8197

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]