Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Để hiểu một cách đơn giản thì tách thửa đất là việc chia mảnh đất ra làm 2 hay nhiều mảnh có diện tích đất nhỏ hơn. Trong đó, việc tách thửa là quy trình phân chia quyền sử dụng đất từ một cho nhiều người khác nhau, với mỗi người sở hữu quyền sử dụng đất của diện tích đất được chia đó.
Mẫu đơn đề nghị tách thửa đất sử dụng hiện nay là Mẫu số 11/ĐK ban hành kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, cụ thể như sau:
Tải mẫu đơn đề nghị tách thửa đất: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/don-de-nghi-tach-thua-dat-su-dung-hien-nay.doc
Hướng dẫn cách viết đơn đề nghị tách thửa đất:
Ban biên tập xin hướng dẫn cách viết đơn đề nghị tách thửa đất để chị và bạn đọc có thể tham khảo thêm như sau:
Phần Kính gửi:
+ Nếu là cá nhân, cộng đồng dân cư thì đề gửi UBND cấp huyện nơi có đất;
+ Nếu là tổ chức, cơ sở tôn giáo, tổ chức cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì đề gửi UBND cấp tỉnh nơi có đất;
Phần thông tin người sử dụng đất:
- Ghi tên và địa chỉ của người sử dụng đất như trên giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất gồm các thông tin như sau:
+ Đối với cá nhân ghi rõ họ, tên, năm sinh, số giấy CMND/CCCD cùng ngày và nơi cấp;
+ Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cá nhân nước ngoài ghi họ, tên, năm sinh, số hộ chiếu, ngày và nơi cấp hộ chiếu, quốc tịch;
+ Đối với tổ chức thì ghi tên tổ chức, ngày tháng năm thành lập, số và ngày, cơ quan ký quyết định thành lập hoặc số giấy đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
- Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của cả vợ và chồng thì ghi họ, tên, năm sinh, số giấy CMND/CCCD cùng ngày, nơi cấp của cả 2 vợ chồng;
Phần thông tin thửa đất: Người viết ghi các thông tin về thửa đất theo như trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Phần lý do tách thửa đất: Ghi rõ lý do tách thửa đất. Tùy từng trường hợp cụ thể mà người viết ghi rõ lý do tách thửa cho phù hợp.
VD: Vì lý do chuyển nhượng, tặng cho một phần quyền sử dụng đất,...
Phần ký tên:
- Người viết ký và ghi rõ họ tên ở cuối “Phần khai của người sử dụng đất, trường hợp ủy quyền viết đơn thì người được ủy quyền ký, ghi rõ họ tên và ghi (được ủy quyền);
- Đối với tổ chức sử dụng đất thì phải ghi họ tên, chức vụ người viết đơn và đóng dấu của tổ chức.
Đơn đề nghị tách thửa đất được dùng trong trường hợp người sử dụng đất đề nghị tách một thửa đất thành nhiều thửa đất mới hoặc đề nghị hợp nhiều thửa đất thành một thửa đất.
Theo Điều 220 Luật đất đai 2024 quy định về điều kiện tách thửa đất như sau:
- Thứ nhất, thửa đất đã được cấp một trong các loại giấy chứng nhận: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
- Thứ hai, thửa đất còn trong thời hạn sử dụng đất.
- Thứ ba, đất không có tranh chấp, không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp đất có tranh chấp nhưng xác định được phạm vi diện tích, ranh giới đang tranh chấp thì phần diện tích, ranh giới còn lại không tranh chấp của thửa đất đó được phép tách thửa đất
- Thứ tư, việc tách thửa đất phải bảo đảm có lối đi; được kết nối với đường giao thông công cộng hiện có; bảo đảm cấp, thoát nước và nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý.
Trường hợp người sử dụng đất dành một phần diện tích của thửa đất ở hoặc thửa đất có đất ở và đất khác trong cùng thửa đất để làm lối đi, khi thực hiện việc tách thửa đất thì không phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất để làm lối đi đó.
- Thứ năm, các thửa đất sau khi tách thửa phải bảo đảm diện tích tối thiểu với loại đất đang sử dụng theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Trường hợp thửa đất được tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa thì phải thực hiện đồng thời việc hợp thửa với thửa đất liền kề;
- Thứ sáu, trường hợp chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất thì thực hiện tách thửa, trong đó diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu của loại đất sau khi chuyển mục đích sử dụng.
Đối với thửa đất có đất ở và đất khác thì không bắt buộc thực hiện tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa;
Lưu ý rằng trường hợp phân chia quyền sử dụng đất theo bản án, quyết định của Tòa án mà việc phân chia không bảo đảm các điều kiện, diện tích, kích thước tách thửa theo quy định thì không thực hiện tách thửa.
Trân trọng!