Điển hình, tại Bản án 111/2018/DSST ngày 11/07/2018 do Tòa án nhân dân huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án về việc:
“Ông Lê Văn U có quan hệ tình cảm với bà Trần Thị Thanh D. Ngày 26/6/2014, ông U lập giấy tay cho bà D căn nhà số 56 tổ 10, ấp 3, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh diện tích 80m2. Tuy nhiên đến năm 2016 ông U và bà D chia tay không còn quan hệ tình cảm với nhau nữa nhưng bà D dùng Giấy cho tặng nhà để làm áp lực nên ông U yêu cầu Tòa án hủy Giấy cho tặng nhà ngày 26/6/2014”.
Theo quy định Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015 để một giao dịch dân sự có hiệu lực, cần phải đáp ứng 03 điều kiện sau:
- Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;
- Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
- Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.
Ngoài ra, hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.
Như vậy để Giấy tặng cho nhà đất trong vụ án này có hiệu lực ngoài đáp ứng 03 điều kiện nêu trên còn phải đáp ứng yêu cầu về mặt hình thức, bởi vì, tài sản được tặng cho ở đây là bất động sản. Do đó, căn cứ Điều 459 Bộ luật dân sự năm 2015, khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 thì hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực. Nếu các bên không đảm bảo yêu cầu về hình thức này thì Giấy tặng cho nhà đất sẽ có thể bị vô hiệu theo quy định tại Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015.
Trường hợp vụ án này, Giấy tặng cho nhà đất của ông U đã bị Tòa án tuyên bố hủy do vô hiệu bởi một trong các nguyên nhân là Giấy tặng cho nhà đất không được công chứng, chứng thực là đúng theo quy định của pháp luật.
Khi Giấy tặng cho nhà đất vô hiệu thì 02 giải quyết hậu quả pháp lý theo quy định tại (Điều 137 Bộ luật dân sự năm 2005) Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.
Xét về lỗi, mặc dù ông U có lỗi hoàn toàn vì ông là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nên đủ nhận thức được việc định đoạt bất động sản khi chưa được Nhà nước công nhận là vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện. Tuy nhiên thiệt hại xảy ra theo các bên xác nhận là không có nên không xem xét.
Tòa án nhân dân huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh tuyên hủy “Giấy cho tặng nhà", yêu cầu bà D phải giao trả căn nhà cho ông U khi bản án có hiệu lực là phù hợp với quy định pháp luật.
Như vậy, khi tặng cho tài sản, các bên cần đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về hiệu lực của giao dịch dân sự, đặc biệt là bên được tặng cho, để đảm bảo quyền lợi của mình và tránh xảy ra tranh chấp về sau.