08/10/2024 10:23

Đối tác chiến lược toàn diện là gì? Cơ sở thiết lập quan hệ ngoại giao của Việt Nam đối các nước khác như thế nào?

Đối tác chiến lược toàn diện là gì? Cơ sở thiết lập quan hệ ngoại giao của Việt Nam đối các nước khác như thế nào?

Vừa qua, Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Vậy thì đối tác chiến lược toàn diện là gì? Hiện nay Việt Nam đã có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với mấy nước? Cơ sở thiết lập quan hệ ngoại giao của Việt Nam đối các nước khác như thế nào?

1. Đối tác chiến lược toàn diện là gì? Hiện nay Việt Nam đã có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với mấy nước?

Hiện nay, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định khái niệm của “Đối tác chiến lược toàn cầu. 

Tuy nhiên theo công trình nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế thì "Đối tác chiến lược toàn diện" được hiểu như sau:

Đối tác chiến lược toàn diện là một dạng thức quan hệ có tầm quan trọng lớn và có tính chiến lược, dài hạn giữa các quốc gia với nhau hoặc giữa quốc gia với tổ chức quốc tế và là một hình thức của quan hệ đối tác chiến lược bên cạnh các hình thức khác như đối tác chiến lược, đối tác chiến lược lựa chọn theo từng lĩnh vực, đối thoại chiến lược,...

Hiện nay đối tác chiến lược toàn diện là cấp cao nhất trong hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao ở Việt Nam. Với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, các bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên mọi lĩnh vực mà các bên cùng có lợi và hướng tới lòng tin chiến lược.

Lưu ý: Nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo.

Tính đến tháng 10/2024, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với 08 quốc gia, đó là: 

- Trung Quốc (2008)

- Liên bang Nga ( 2012)

- Ấn Độ (2016)

- Hàn Quốc (2022)

- Mỹ (9/2023)

- Nhật Bản (11/2023)

- Australia (3/2024)

- Pháp (10/2024)

2. Cơ sở thiết lập quan hệ ngoại giao của Việt Nam đối các nước khác như thế nào?

Căn cứ theo Điều 12 Hiến pháp 2013 quy định như sau:

Điều 12.

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Theo đó, Việt Nam xác lập quan hệ ngoại giao với các nước khác dựa trên cơ sở:

- Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi;

- Tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

- Là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

3. Cơ quan nào đại diện Nhà nước Việt Nam trong hoạt động đối ngoại?

Theo khoản 10 Điều 2 Nghị định 81/2022/NĐ-CP có quy định như sau: 

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Ngoại giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

10. Về đại diện trong hoạt động đối ngoại nhà nước:

a) Đại diện cho Nhà nước trong quan hệ ngoại giao với các nước, các tổ chức quốc tế liên chính phủ; tiến hành các hoạt động đối ngoại của Nhà nước theo quy định của pháp luật;

b) Trình Chính phủ việc thiết lập, thay đổi mức độ hoặc đình chỉ quan hệ ngoại giao, lãnh sự với các nước, các tổ chức quốc tế liên chính phủ; việc thành lập, tạm đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;

c) Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền, đại diện của Chủ tịch nước tại các tổ chức quốc tế;

d) Bổ nhiệm, triệu hồi đại diện thường trực của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này; người đứng đầu cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm lãnh sự danh dự Việt Nam ở nước ngoài.

Như vậy, Bộ Ngoại giao là cơ quan đại diện cho Nhà nước Việt Nam trong quan hệ ngoại giao với các nước, các tổ chức quốc tế liên chính phủ; tiến hành các hoạt động đối ngoại của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
2697

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]