08/11/2023 18:35

Đòi nợ bằng cách tự ý chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của người khác vào tài khoản của mình có được không?

Đòi nợ bằng cách tự ý chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của người khác vào tài khoản của mình có được không?

Tôi cần tư vấn như sau: có một người đang nợ tôi với một số tiền lớn vậy tôi có thể lấy tài khoản ngân hàng của họ để chuyển tiền vào tài khoản của mình được không? Như Lài - Kiêng Giang

Xin chào chị, Ban biên tập xin được giải đáp như sau:

1. Quyền đòi nợ được xác định thế nào?

Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định "Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản."

Đồng thời, tại Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định "Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác."

Như vậy, Chủ sở hữu quyền tài sản có toàn quyền định đoạt tài sản trên, trong đó có quyền đòi nợ.

Quyền đòi nợ là quyền yêu cầu trả nợ và được phép chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao quyền yêu cầu.

2. Đòi nợ bằng cách chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của người khác vào tài khoản của mình có được không?

Hành vi tự ý chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của người khác vào tài khoản của mình được xem là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Người thực hiện hành vi này tùy theo mức độ mà có thể xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

+ Đối với xử lý hành chính

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định:

"2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

...

đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;

..."

Như vậy, người chiếm giữ tài sản của người khác có thể bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Bên cạnh đó người vi phạm còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể đối với hành vi trên như sau:

- Hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;

+ Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm.

+ Đối với trách nhiệm hình sự

Căn cứ Điều 176 Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ xung 2017 quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:

Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, nếu tự ý chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của người khác vào tài khoản ngân hàng của mình, mà số tiền từ 200.000.000 đồng thì có thể đối diện với mức phạt tù lên đến 5 năm.

3. Đòi nợ thế nào cho đúng quy định pháp luật?

Để có thể lấy lại số nợ, chủ nợ chỉ có thể sử dụng phương pháp đàm phán, thỏa thuận hoặc con đường khởi kiện tại tòa án để giải quyết.

Theo Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 có thể tóm tắt các bước lấy khoản nợ được thực hiện như sau:

Bước 1: Chủ nợ soạn đơn khởi kiện đòi lại tài sản, có theo chứng cứ kèm theo

Bước 2: Chủ nợ nộp đơn khởi kiện đến tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền, nơi con nợ có địa chỉ cư trú, nếu không biết được nơi cư trú, làm việc, trụ sở của con nợ thì có thể nộp tại tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền nơi mình cư trú để giải quyết

Bước 3: Tòa án sẽ thông báo thụ lý giải quyết vụ án và yêu cầu chủ nợ đóng tiền tạm ứng án phí theo quy định pháp luật.

Bước 4: Thực hiện theo yêu cầu của thẩm phán thụ lý vụ việc cho đến khi lấy lại được số nợ.

Như vậy, việc đòi nợ theo cách tự ý chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của người khác vào tài khoản của mình là hành vi vi phạm pháp luật. Để lấy lại số nợ nên được thực hiện theo con đường đàm phán, thỏa thuận hoặc tòa án

Nguyễn Ngọc Diện
1727

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]