01/10/2019 08:31

Đòi bồi thường tuổi xuân khi ly hôn, có được chấp nhận?

Đòi bồi thường tuổi xuân khi ly hôn, có được chấp nhận?

Khi mới bước vào hôn nhân thì nam nữ đều tràn đầy thanh xuân, tuổi trẻ. Thế nhưng khi ly hôn thì phụ nữ lại thấy rằng tuổi trẻ, tuổi xuân của mình đã qua đi một cách quá uổng phí hoặc quá vô nghĩa. Và rồi người phụ nữ yêu cầu người chồng phải bồi thường tuổi xuân cho mình khi người chồng muốn ly hôn. Vậy đối với việc bồi thường tuổi xuân này, liệu có được tòa án chấp nhận?

Điển hình tại Bản án 06/2017/HNGĐ-ST ngày 31/08/2017 về tranh chấp ly hôn của Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, theo đó:

“Anh C và chị T kết hôn với nhau trên cơ sở tự nguyện năm 2014. Trong quá trình chung sống, vợ chồng anh phát sinh nhiều mâu thuẫn, nguyên nhân chính là do vợ chồng bất đồng quan điểm trong việc lên kế hoạch sinh con chung. Vợ chồng anh đã sống ly thân từ cuối năm 2016 cho đến nay. Anh C xác định tình cảm vợ chồng không còn, đời sống chung không thể kéo dài, nên yêu cầu Tòa án giải quyết cho anh được ly hôn với chị T.

Chị T cho rằng: chị xác định tình cảm vợ chồng vẫn còn, tuy nhiên nếu anh C cương quyết xin ly hôn phải đáp ứng hai yêu cầu như sau:

- Thứ nhất, anh C phải có trách nhiệm bồi thường nhân phẩm và tuổi xuân cho chị với số tiền là 100.000.000đ.

- Thứ hai, anh C phải làm lễ dâng lên báo cáo tổ tiên, để tuyên bố chị và anh C không còn là vợ chồng nữa. Nếu anh C chấp nhận hai yêu cầu nêu trên, thì chị sẽ đồng ý ly hôn với anh C.

 Tòa án tuyên xử cho anh C và chị T ly hôn. Tuy nhiên, đối với yêu cầu của chị T, yêu cầu anh C phải có trách nhiệm bồi thường nhân phẩm và tuổi xuân cho chị và phải làm lễ dâng lên báo cáo tổ tiên. Tòa án xét thấy, yêu cầu trên của chị T không được Luật Hôn nhân và gia đình quy định, do vậy yêu cầu này không được chấp nhận.”

Mặc dù hiện nay pháp luật cũng đã rất chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích của người phụ nữ nhưng đối chiếu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản có liên quan khác thì không có quy định nào về việc bồi thường tuổi xuân khi ly hôn.

Tuy vậy, việc đòi bồi thường tuổi xuân này không phải là không thể nếu người vợ có thể tự thỏa thuận với người chồng để người chồng tự nguyện bồi thường tiền cho khoảng thời gian tuổi xuân chị vợ đã mất.

Ngoài ra, cũng có thêm phương án khác là người vợ yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại khi danh dự bị xâm phạm khi người vợ chứng minh được việc bị người chồng ly hôn đã ảnh hưởng tới danh dự của chị khi chị bị mọi người dè bĩu, nói xấu vì bị chồng bỏ... Nhưng việc chứng minh trên thực tế là rất khó.

Đảm bảo quyền lợi của phụ nữ do việc ly hôn phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi hơn, khó khăn trong việc tạo lập cuộc sống mới nên khi giải quyết ly hôn tòa án sẽ tính toán đến công sức đóng góp, duy trì cuộc sống hôn nhân, lỗi của các bên để chia tài sản chung của vợ chồng.

Khi một cặp vợ chồng ly hôn thì bên vợ thường tiếc nuối tuổi xuân, bên chồng tiếc nuối đời trai hoặc thấy mình bị mất danh dự khi bị bên còn lại đòi ly hôn. Thế nhưng việc đòi bồi thường những mất mát, thiệt hại trên đang rất mờ mịt nếu hai bên không tự thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường.

Nguyễn Sáng
2631

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]