16/01/2024 17:38

DoctorDong là gì? Hoạt động cho vay tiền của DoctorDong có vi phạm pháp luật không?

DoctorDong là gì? Hoạt động cho vay tiền của DoctorDong có vi phạm pháp luật không?

Tôi muốn hỏi DoctorDong là gì? Hoạt động cho vay tiền của DoctorDong có vi phạm pháp luật không?_Hoàng Hải(Hà Nam)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. DoctorDong là gì?

DoctorDong là Công ty TNHH MTV Tư vấn tài chính LGC (hay gọi là Doctor Đồng). Doctor Đồng không cung cấp dịch vụ cho vay, không ra quyết định cấp vốn, cho nên không có cam kết cho vay với bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào.

Dịch vụ của Doctor Đồng là tư vấn đặc tính sản phẩm vay, tư vấn thủ tục, hồ sơ giấy tờ, điều kiện vay vốn, hỗ trợ các thủ tục có liên quan đến khoản vay… cho khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ tại hệ thống kinh doanh Doctor Đồng.

Như vậy, Doctor Đồng chỉ đóng vai trò trung gian kết nối khách hàng có nhu cầu vay vốn với bên đối tác cung cấp nguồn vốn của Doctor Đồng. Theo đó, khách hàng và đối tác sẽ chịu phí sử dụng dịch vụ của Doctor Đồng cung cấp theo thỏa thuận.

2. Hoạt động cho vay tiền của DoctorDong có vi phạm pháp luật không?

Về tính pháp lý, DoctorDong là một công ty được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Công ty đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy phép hoạt động cho vay tài chính năm 2015 cung cấp dịch vụ Tư vấn tài chính thông qua website và app DoctorDong theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Như vậy, hoạt động của DoctorDong là hoạt động cung cấp dịch vụ Tư vấn tài chính và không trực tiếp cho khách hàng vay tiền. Do đó, hoạt động của DoctorDong không vi phạm pháp luật vì công ty cũng đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy phép hoạt động cho vay tài chính theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Lãi suất cho vay tối đa hiện nay là bao nhiêu?

Theo quy định tại Điều 463 và Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất trong hợp đồng vay tài sản như sau:

"Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ."

Như vậy, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản sẽ do 2 bên thoả thuận, tuy nhiên lãi suất cho vay tối đa hiện nay không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, tương đương mức lãi suất không quá 1,666%/tháng. Nếu vượt quá mức quy định thì khi xảy ra tranh chấp phần lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực pháp luật. 

4. Mức lãi suất cho vay trong hợp đồng tín dụng hiện nay là bao nhiêu?

Theo Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng 2010 quy định lãi suất cho vay trong hợp đồng tín dụng hiện nay như sau:

- Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

- Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

- Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Như vậy, lãi suất cho vay trong hợp đồng tín dụng là sự thỏa thuận của khách hàng và tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng sẽ chịu sự quản lý và điều chỉnh của Ngân hàng nhà nước.

Nhận định chung đối với vấn đề vay vốn thì khách hàng nên tìm hiểu các điều khoản quy định trong hợp đồng như phí dịch vụ, lãi suất, kỳ hạn thanh toán, nếu quá hạn thì lãi suất quá hạn là bao nhiêu phần trăm của khoản vay... Từ đó tránh được các rủi ro về tài chính không đáng có.

Hứa Lê Huy
27711

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]