25/07/2024 17:45

Doanh nghiệp phải công khai những thông tin nào về nhà ở trước khi đưa vào kinh doanh?

Doanh nghiệp phải công khai những thông tin nào về nhà ở trước khi đưa vào kinh doanh?

Nhà ở trước khi đưa vào kinh doanh phải được doanh nghiệp công khai thông tin? Doanh nghiệp công khai thông tin về nhà ở gồm những thông tin gì?

1. Doanh nghiệp phải công khai những thông tin nào về nhà ở trước khi đưa vào kinh doanh?

Trước khi đưa nhà ở (bất động sản, dự án bất động sản) vào kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải công khai đầy đủ, trung thực và chính xác thông tin liên quan đến nhà ở trên hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cụ thể, như sau:

(1) Thông tin về nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai bao gồm:

- Loại bất động sản; vị trí, quy mô, tiến độ xây dựng, công năng sử dụng của bất động sản; thông tin về phần diện tích sử dụng chung đối với bất động sản là nhà chung cư, công trình xây dựng, tòa nhà hỗn hợp nhiều mục đích sử dụng;

- Thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng đã được thẩm định theo quy định của pháp luật về xây dựng; giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải cấp giấy phép xây dựng; thông báo khởi công xây dựng công trình; giấy tờ về nghiệm thu việc đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng tương ứng theo tiến độ dự án; giấy tờ chứng minh đã được nghiệm thu hoàn thành xây dựng phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có nhà ở;

- Giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Kinh doanh bất động sản 2023;

- Thỏa thuận cấp bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai;

- Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua;

- Các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (nếu có); việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh.

(2) Thông tin về nhà ở, công trình xây dựng có sẵn bao gồm:

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy chứng nhận khác về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai trong đó có ghi nhận quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản 2023;

- Trường hợp nhà ở, công trình xây dựng trong dự án bất động sản của chủ đầu tư thì chỉ cần có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất xây dựng gắn với nhà ở, công trình xây dựng đó;

- Các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (nếu có); việc thế chấp nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh.

(Căn cứ Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản 2023)

Như vậy, trước khi đưa nhà ở vào kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải công khai đầy đủ, trung thực và chính xác thông tin về nhà ở bao gồm:

- Đối với nhà ở hình thành trong tương lai, cần công bố thông tin về loại bất động sản, vị trí, quy mô, tiến độ xây dựng, giấy phép xây dựng, giấy tờ về quyền sử dụng đất, thỏa thuận bảo lãnh và các hạn chế quyền sở hữu (nếu có)...

- Với nhà ở có sẵn, phải công khai giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất và các hạn chế liên quan…

2. Những đối tượng nào được sở hữu nhà ở tại Việt Nam?

Theo khoản 1 Điều 8 Luật nhà ở 2023 quy định về những đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:

- Tổ chức, cá nhân trong nước;

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật nhà ở 2023.

Đồng thời, những đối tượng trên còn phải đáp ứng những điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm:

- Tổ chức, cá nhân trong nước được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở; nhận nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của pháp luật; hình thức khác theo quy định của pháp luật;

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở thông qua các hình thức quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật nhà ở 2023.

Như vậy, những đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm tổ chức và cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức và cá nhân nước ngoài đáp ứng những điều kiện được quy định tại Luật nhà ở 2023.

Nguyễn Ngọc Trầm
118

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]