15/06/2024 09:18

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động: Mức phạt hành chính và xử lý hình sự?

Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động: Mức phạt hành chính và xử lý hình sự?

Bảo hiểm xã hội là gì? Doanh nghiệp có bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên không? Mức xử phạt hành chính và xử lý hình sự đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động?

Bảo hiểm xã hội là một trong những trách nhiệm của người sử dụng lao động khi ký hợp đồng lao động với người lao động. Vậy, bảo hiểm xã hội là gì? Doanh nghiệp có bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên không? Mức xử phạt hành chính và xử lý hình sự đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động?

1. Bảo hiểm xã hội là gì? 

Bảo hiểm xã hội là một khái niệm khá quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Tại khoản 1 Điều 3 Luật bảo hiểm xã hội 2014 định nghĩa như sau:

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Thêm vào đó, người lao động là công dân Việt Nam thuộc 09 trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 là những đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó bap gồm:

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động 

- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

Như vậy, bảo hiểm xã hội là một chính sách an sinh xã hội do Nhà nước tổ chức và được bảo đảm thực hiện bởi cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo quy định của Pháp luật. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động là những đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định.

2. Doanh nghiệp có bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên không?

Căn cứ tại khoản 2, Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại Điều 86 Luật bảo hiểm xã hội 2014 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Phương thức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 được sửa đổi bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 và Quyết định 888/QĐ-BHXH năm 2018 như sau: 

- Đóng hằng tháng;

- Đóng 03 hoặc 06 tháng một lần.

- Một số trường hợp khác được quy định chi tiết tại Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH.

Như vậy, theo quy định trên khi người sử dụng lao động ký hợp đồng lao động với người lao động, việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trích từ phần tiền lương của họ là trách nhiệm bắt buộc đối với mỗi doanh nghiệp.

3. Mức xử phạt hành chính và xử lý hình sự đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động?

Trong những trường hợp sau, doanh nghiệp sẽ được coi là vi phạm các nghĩa vụ về bảo hiểm xã hội theo Điều 17 Luật bảo hiểm xã hội 2014:

- Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.

- Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

- Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

- Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

- Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật.

- Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.

- Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

- Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Đồng thời, căn cứ vào khoản 6 khoản Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng;

Tại khoản 7, Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng.

Lưu ý:, Mức phạt trên là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân theo Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Ngoài ra, không chỉ xử phạt hành chính, người sử dụng lao động còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 quy định về tội trốn đóng BHXH cho người lao động: 

- Đối với cá nhân sẽ bị phạt từ 50-500 triệu đồng, từ 03 tháng đến 07 năm tù và bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm tuỳ vào tính chất, hành vi vi phạm;

- Đối với doanh nghiệp là pháp nhân thương mại, sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đến 3 tỷ đồng tuỳ tính chất, hành vi vi phạm.

Như vậy, ngoài xử phạt hành chính, những trường hợp vi phạm nghiệm trọng về nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, doanh nghiệp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nguyễn Hải Phương Thảo
46

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn