25/08/2023 08:36

Doanh nghiệp nhà nước có bắt buộc lập bộ phận pháp chế?

Doanh nghiệp nhà nước có bắt buộc lập bộ phận pháp chế?

Tôi muốn hỏi doanh nghiệp nhà nước có bắt buộc lập bộ phận pháp chế? Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức nào?_Bảo Châu(TP.HCM)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức nào?

- Theo Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:

+ Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

Cụ thể theo quy định tại Điều 7 Nghị định 47/2021/NĐ-CP hướng dẫn Doanh nghiệp nhà nước và xác định tỷ lệ vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp như sau:

“1. Công ty mẹ quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 88 Luật Doanh nghiệp không là công ty con trong tập đoàn kinh tế, tổng công ty và nhóm công ty mẹ - công ty con khác.

Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp là tổng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, cổ phần có quyền biểu quyết của các cơ quan đại diện chủ sở hữu nắm giữ tại doanh nghiệp đó.

Công ty độc lập quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước sở hữu vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và không thuộc nhóm công ty mẹ - công ty con.”

+ Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020. (Việc thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được hướng dẫn bởi Nghị định 23/2022/NĐ-CP).

- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm:

+ Công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

+ Công ty TNHH 1 thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 bao gồm:

+ Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;

+ Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rõ các loại hình doanh nghiệp nhà nước có thể được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH hoặc công ty cổ phần, phù hợp với tỷ lệ vốn điều lệ hoặc cổ phần mà Nhà nước nắm giữ.

2. Doanh nghiệp nhà nước có bắt buộc lập bộ phận pháp chế?

Theo Điều 1, 2 và Điều 10 Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định cụ thể về phạm vi và đối tượng điều chỉnh; Vị trí, chức năng của tổ chức pháp chế; Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước cụ thể như sau:

* Về phạm vi và đối tượng điều chỉnh

- Nghị định này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), doanh nghiệp nhà nước và quản lý nhà nước về công tác pháp chế.

* Về vị trí, chức năng của tổ chức pháp chế

- Tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước bằng pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao và tổ chức thực hiện công tác pháp chế quy định tại Nghị định này.

- Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, tư vấn cho Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

* Về tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước

- Căn cứ vào nhu cầu công tác pháp chế, Chủ tịch Hội đồng thành viên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế hoặc quyết định việc bố trí nhân viên pháp chế chuyên trách.

- Tổ chức pháp chế ở doanh nghiệp nhà nước chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của Vụ Pháp chế thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và chịu sự quản lý về công tác pháp chế của Bộ Tư pháp.

- Tổ chức pháp chế các doanh nghiệp nhà nước ở địa phương chịu sự quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác pháp chế của Sở Tư pháp.

Như vậy, theo quy định trên Doanh nghiệp nhà nước không bắt buộc phải thành lập bộ phận pháp chế. Việc có thành lập bộ phận pháp chế hay không là quyết định của Chủ tịch HĐTV, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc doanh nghiệp nhà nước, dựa trên nhu cầu công tác pháp chế của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nhà nước có thành lập bộ phận pháp chế, bộ phận này sẽ chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ từ Vụ Pháp chế của Bộ, cơ quan ngang Bộ và chịu sự quản lý về công tác pháp chế của Bộ Tư pháp.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
2077

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]