14/11/2024 16:47

Doanh nghiệp có được yêu cầu người lao động là người khuyết tật làm việc vào ban đêm không?

Doanh nghiệp có được yêu cầu người lao động là người khuyết tật làm việc vào ban đêm không?

Khi sử dụng lao động là người khuyết tật thì doanh nghiệp có được yêu cầu người lao động làm thêm giờ hay làm việc vào ban đêm không? Các ưu đãi dành cho doanh nghiệp khi sử dụng lao động là người khuyết tật là gì?

Người khuyết tật được hiểu như thế nào? Có bao nhiêu mức độ khuyết tật?

Theo Khoản 1 Điều 2 Luật người khuyết tật 2010 quy định: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.

Theo Khoản 2 Điều 3 Luật người khuyết tật 2010 được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định người khuyết tật được chia theo mức độ khuyết tật sau đây:

- Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

- Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.

- Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc 2 trường hợp trên.

Quy định về sử dụng lao động là người khuyết tật làm việc vào ban đêm

Tại Điều 160 Bộ luật lao động 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi sử dụng lao động là người khuyết tật bao gồm:

- Sử dụng người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ trường hợp người lao động là người khuyết tật đồng ý.

- Sử dụng người lao động là người khuyết tật làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành mà không có sự đồng ý của người khuyết tật sau khi đã được người sử dụng lao động cung cấp đầy đủ thông tin về công việc đó.

Như vậy, Bộ luật lao động 2019 đã cho phép doanh nghiệp được sử dụng lao động là  người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm tuy nhiên phải đảm bảo nội dung là được người khuyết tật đồng ý. 

Việc đồng ý này nên thể hiện bằng văn bản và có thể áp dụng Mẫu số 01/PLIV Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP

Ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật?

Theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật thì được hưởng chính sách ưu đãi như sau:

- Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định mức kinh phí hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc cho cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật;

- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế;

- Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện vay, thời hạn vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm;

- Ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật;

- Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật.

Trong thời gian được miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước, cơ sở sản xuất, kinh doanh không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cho thuê quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước; không được thế chấp, cầm cố, bảo lãnh, góp vốn liên doanh, liên kết bằng quyền sử dụng đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Như vậy, đối với những doanh nghiệp có sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật thì mới được hưởng chính sách ưu đãi. Các chính sách bao gồm hỗ trợ cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Lê Vũ Khánh Ngọc
29

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn