06/11/2023 18:38

Doanh nghiệp cắt giảm lao động không báo trước bị xử phạt thế nào?

Doanh nghiệp cắt giảm lao động không báo trước bị xử phạt thế nào?

Sáng nay, công ty tôi thông báo cắt giảm 50% nhân sự, yêu cầu tôi nghỉ việc ngay ngày mai. DN cắt giảm nhân sự có đúng quy định pháp luật không? Gia Vĩ – HCM

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Cắt giảm lao động là gì? Thời gian báo trước khi cắt giảm nhân sự?

Cắt giảm lao động hay cắt giảm nhân sự là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả việc cho thôi việc một hoặc một số nhân viên trong một tổ chức hoặc doanh nghiệp. Cắt giảm nhân sự thường được thực hiện khi một tổ chức hoặc doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính hoặc khi cần thay đổi hoạt động kinh doanh.

Có nhiều lý do khiến một tổ chức hoặc doanh nghiệp có thể cắt giảm lao động. Một số lý do phổ biến bao gồm:

- Thiếu kinh phí: Khi một tổ chức hoặc doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, họ có thể cần cắt giảm chi phí để duy trì hoạt động. Cắt giảm lao động là một cách để giảm chi phí lương và phúc lợi.

- Giảm nhu cầu: Khi nhu cầu về sản phẩm hoặc dịch vụ của một tổ chức hoặc doanh nghiệp giảm, họ có thể cần cắt giảm lao động để phù hợp với nhu cầu.

- Thay đổi hoạt động kinh doanh: Khi một tổ chức hoặc doanh nghiệp thay đổi hoạt động kinh doanh, họ có thể cần cắt giảm lao động để phù hợp với mô hình kinh doanh mới.

Theo điểm c  khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp "Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc".

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 về thời gian doanh nghiệp phải báo trước cho người lao động bị cắt giảm lao động thì khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

- Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

- Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019;

- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, cắt giảm lao động là việc doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trong tổ chức, doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải báo trước cho người lao động bị cắt giảm (không có lý do cắt giảm) trước một thời hạn nhất định tùy theo hợp đồng lao động 2 bên giao kết.

Đồng thời, căn cứ theo Khoản 4,5 Điều 42 Bộ luật Lao động 2019 thì:

- Trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 Bộ luật Lao động 2019.

- Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 Bộ luật Lao động 2019.

Như vậy, nếu công ty rơi vào trường hợp phải cho người lao động thôi việc vì lý do khủng hoảng kinh tế thì phải trả trợ cấp mất việc làm theo quy định pháp luật.

2. Doanh nghiệp cắt giảm lao động không báo trước bị xử phạt thế nào?

Tại Điều 12 Nghị định 12/2022NĐ-CP quy định về mức xử phạt doanh nghiệp cắt giảm lao động trái pháp luật:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng: Đối với người sử dụng lao động có hành vi không thông báo bằng văn bản cho người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của Bộ luật Lao động.

- Phạt từ 1.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng tùy thuốc số lượng người lao động bị vi phạm: Không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng:

+ Cho thôi việc đối với người lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo một trong các trường hợp sau: không trao đổi ý kiến trước với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên; không thông báo trước 30 ngày cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người lao động;

+ Trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế; khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mà người sử dụng lao động có một trong các hành vi: không lập phương án sử dụng lao động; lập phương án sử dụng lao động nhưng không đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định của pháp luật hoặc không trao đổi ý kiến với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng phương án sử dụng lao động;

+ Sử dụng quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc nhưng không tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả

- Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022NĐ-CP;

- Buộc người sử dụng lao động hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động cho người lao động đối với hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022NĐ-CP;

- Buộc người sử dụng lao động trả cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động của những ngày không báo trước khi có hành vi vi phạm về thời hạn báo trước quy định tại điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định 12/2022NĐ-CP.

Như vậy, doanh nghiệp cắt giảm lao động mà không báo trước sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng  - 20.000.000 đồng tùy theo mức độ vi phạm. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị buộc phải trả các khoản trợ cấp, bồi thường cho người lao động và phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

3. Bồi thường cho lao động bị cắt giảm trái quy định pháp luật

Doanh nghiệp cắt giảm nhân sự trái luật ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính còn có một số nghĩa vụ đối với người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:

- Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.

Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

- Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 để chấm dứt hợp đồng lao động.

- Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động 2019 và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động. (Căn cứ Điều 41 Bộ luật Lao động 2019)

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
1255

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn