Đối với quan hệ nhân thân, khách thể của tội “Cướp tài sản” tương tự như khách thể của tội “Giết người”, tội “Cố ý gây thương tích” vì có gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người khác. Trong thực tiễn xét xử, hành vi cướp tài sản gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe của người khác được xét xử theo các tội danh khác nhau như: về hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản”; về hai tội “Cố ý gây thương tích” và “Cướp tài sản” hoặc thu hút về tội “Cướp tài sản” với tình tiết định khung theo khoản 2,3,4 Điều 168 BLHS tương ứng với hậu quả của tội phạm. Việc định tội danh trong trường hợp này rất phức tạp. Việc xác định trường hợp nào xét xử về nhiều tội, về những tội gì; trường hợp nào chỉ xét xử chỉ về tội “Cướp tài sản” còn nhiều quan điểm khác nhau.
Quy định về tội “Cướp tài sản” tại Điều 168 BLHS
Điều 168 BLHS quy định hành vi của tội “Cướp tài sản” là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Điều 168 BLHS quy định: Tình tiết “Gây thương tích cho sức khỏe của người khác” là tình tiết định khung tăng nặng tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 3, điểm b khoản 4; tình tiết “Làm chết người” là tình tiết định khung tăng nặng tại điểm c khoản 4 Điều 168 BLHS. Như vậy, hành vi cướp tài sản gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người khác có thể chỉ bị xét xử về tội “Cướp tài sản” với tình tiết định khung tăng nặng theo Điều 168 BLHS.
Quy định tại Nghị quyết số 01-HĐTP/NQ ngày 19/04/1989 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS năm 1985
Hiện nay, Nghị quyết này đã hết hiệu lực thi hành nhưng vấn đề này chưa có văn bản hướng dẫn; do đó, có thể sử dụng để tham khảo. Điểm c phần VII Chuyển hóa từ một số hình thức chiếm đoạt tài sản thành cướp tài sản của Nghị quyết quy định: “Nếu việc dùng vũ lực (hoặc đe dọa dùng vũ lực) là nhằm để tẩu thoát (kể cả khi tẩu thoát cùng với tài sản đã chiếm đoạt được), thì không kết án kẻ phạm tội về cướp tài sản… Nếu việc dùng vũ lực dẫn tới hậu quả làm chết người thì kẻ phạm tội bị kết án thêm về tội giết người. Nếu hậu quả của việc dùng vũ lực là gây cố tật nặng hoặc gây thương tích dẫn đến chết người thì kẻ phạm tội bị kết án thêm về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 điều 109 BLHS”.
Phân tích quy định này, ta thấy: Nghị quyết 01 chỉ đề cập đến trường hợp dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhằm để tẩu thoát nếu dẫn tới hậu quả chết người thì xét xử về tội “Cướp tài sản” và “Giết người”; nếu hậu quả của việc dùng vũ lực là gây cố tật nặng hoặc gây thương tích dẫn đến chết người thì kẻ phạm tội bị kết án thêm về tội cố ý gây thương tích. Giai đoạn người phạm tội thực hiện hành vi dùng vũ lực là để tẩu thoát, hành vi chiếm đoạt tài sản đã chấm dứt. Hậu quả để xét xử về cả hai tội “Cướp tài sản” và “Cố ý gây thương tích” chỉ là trường hợp gây cố tật nặng hoặc gây thương tích dẫn đến chết người. Nghị quyết không quy định trường hợp dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quá trình cướp tài sản dẫn đến hậu quả chết người, gây thương tích thì xử lý như thế nào? Từ quy định của Nghị quyết, cũng có thể hiểu, những trường hợp gây thương tích không phải là gây cố tật nặng và không dẫn đến chết người thì chỉ xét xử thu hút về tội “Cướp tài sản” với tình tiết định khung tăng nặng.
Trên cơ sở những quy định của pháp luật, có thể khái quát việc định tội danh như sau:
*Cướp tài sản gây chết người có thể xét xử về các tội sau:
Thứ nhất, xét xử về tội “Cướp tài sản” và “Giết người” đối với các trường hợp: Hậu quả của việc chết người là do hành vi dùng vũ lực với lỗi cố ý, cả cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp; cả do hành vi dùng vũ lực, trong quá trình cướp tài sản cũng như trong quá trình tẩu thoát.
Thứ hai, xét xử về tội “Cướp tài sản” theo điểm c khoản 4 Điều 168 BLHS với trường hợp: Hậu quả chết người do lỗi vô ý của người phạm tội.
Ví dụ: A cầm súng giả, giơ súng về phía bà B để đe dọa cướp tài sản. Bà B bị bệnh tim, sợ quá bị nhồi máu cơ tim chết. Vì A không có mục đích giết người, A không biết bà B bị bệnh tim, cái chết của bà B là ngoài mong muốn của A.
Thứ ba, xét xử về tội “Cướp tài sản” và “Cố ý gây thương tích” đối với các trường hợp: Người phạm tội gây thương tích dẫn đến chết người.
Ví dụ: A đang ngồi trên ghế đếm tiền, B xông vào bắt A đưa tiền cho B. A chống cự, nhất quyết không đưa. B đạp mạnh vào lưng A hai cái, lấy cọc tiền rồi bỏ đi. Hai ngày sau A chết. Khám nghiệm tử thi kết luận, nạn nhân chết vì phổi bị tổn thương nặng, xung huyết, phù nề do lực tác động mạnh vào lưng. Trường hợp này, B không có ý định tước đoạt tính mạng của A mà chỉ gây thương tích cho A nhưng hành vi của B đã làm A bị thương tích dẫn đến A chết.
*Cướp tài sản gây thương tích cho người khác thì bị xét xử về các tội sau:
Thứ nhất, xét xử về tội “Cướp tài sản” và “Giết người” (trường hợp chưa đạt): Đối với trường hợp hậu quả chết người chưa xảy ra là ngoài mong muốn của người phạm tội.
Ví dụ: A cướp tài sản của B, do B chống cự, A dùng búa đập thẳng vào đầu B, B ngất xỉu, A tưởng B chết, liền rời khỏi hiện trường, nhưng sau đó, B được đưa đi cấp cứu và chỉ bị thương tích.
Thứ hai, xét xử về tội “Cướp tài sản” và “Cố ý gây thương tích” đối với các trường hợp:
Người phạm tội có lỗi cố ý gián tiếp với hậu quả chết người, không mong muốn nhưng chấp nhận hậu quả chết người xảy ra và thực tế hậu quả chỉ gây thương tích.
Ví dụ: A cướp tài sản của B, B chống cự, trong quá trình giằng co, A cầm dao đâm bừa vào người nạn nhân, hậu quả gây thương tích cho nạn nhân.
Trong quá trình tẩu thoát, mặc dù có thể lựa chọn cách tẩu thoát không gây thương tích cho nạn nhân nhưng người phạm tội vẫn chọn gây thương tích.
Ví dụ: A cướp tài sản của B, A lên xe máy tẩu thoát, nhưng quay lại phía sau, phát hiện B đang đuổi theo, thay vì bỏ chạy, A dừng xe, quay lại đánh B rồi mới tiếp tục tẩu thoát.
Thứ ba, xét xử về tội “Cướp tài sản” tương ứng với hậu quả theo điểm c khoản 2, điểm b khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 168 BLHS: Đối với các trường hợp dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực tức khắc hoặc có hành vi khác không thuộc các trường hợp đã nêu trên với cả lỗi cố ý và vô ý đối với hậu quả xảy ra.
Trên đây là một số ý kiến cá nhân của người nghiên cứu, rất mong nhận được sự trao đổi của các độc giả./.