13/10/2023 17:00

Điều kiện để làm chủ hụi là gì? Hốt hụi thế nào?

Điều kiện để làm chủ hụi là gì? Hốt hụi thế nào?

Tôi muốn biết điều kiện để làm chủ hụi là gì? Hốt hụi thế nào?_Xuân Thu(Hà Giang)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Điều kiện để làm chủ hụi là gì?

Theo Điều 6 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định điều kiện làm chủ hụi như sau:

- Chủ hụi là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự.

- Trường hợp các thành viên tự tổ chức dây hụi thì chủ hụi là người được hơn một nửa tổng số thành viên bầu, trừ trường hợp các thành viên có thỏa thuận khác.

- Điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây hụi.

* Dây hụi là một hụi hình thành trên cơ sở thỏa thuận cụ thể của những người tham gia hụi về thời gian, phần hụi, thể thức góp hụi, hốt hụi, quyền, nghĩa vụ của chủ hụi (nếu có) và các thành viên.

* Thành viên hụi là người tham gia dây hụi, góp phần hụi, được hốt hụi và trả lãi (nếu có).

* Điều kiện để làm thành viên hụi được quy định tại Điều 5 Nghị định 19/2019/NĐ-CP như sau:

- Thành viên là người từ đủ 18 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự.

- Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu có tài sản riêng có thể là thành viên của dây hụi, trường hợp sử dụng tài sản riêng là bất động sản, động sản phải đăng ký để tham gia dây hụi thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

- Điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây hụi.

Như vậy, điều kiện để làm chủ hụi là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Nếu nhiều thành viên tổ chức dây hụi thì chủ hụi là người được hơn một nửa tổng số thành viên bầu, hoặc có thỏa thuận khác của các thành viên.

2. Hốt hụi thế nào?

Thứ tự hốt hụi được quy định tại Điều 19 và Điều 20 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

Hốt hụi không có lãi

- Thứ tự hốt hụi tại mỗi kỳ mở hụi được xác định theo hình thức bốc thăm, biểu quyết, bình chụin hoặc hình thức khác do những người tham gia dây hụi thỏa thuận.

- Trường hợp những người tham gia dây hụi không có thỏa thuận thì thứ tự hốt hụi được xác định bằng hình thức bốc thăm.

Hốt hụi có lãi

- Thành viên hốt hụi trong từng kỳ mở hụi là người đưa ra mức lãi cao nhất, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

- Trong một kỳ mở hụi mà có nhiều thành viên cùng trả một mức lãi và mức lãi đó là mức lãi cao nhất thì những người này bốc thăm để xác định thành viên hốt hụi, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

- Thành viên đã hốt hụi không được đưa ra mức lãi trong các kỳ mở hụi tiếp theo, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

- Trường hợp một thành viên góp nhiều phần hụi trong mỗi kỳ mở hụi thì thành viên này có quyền đưa ra mức lãi cho đến khi có số lần hốt hụi tương ứng với số phần hụi mà thành viên đó góp hụi trong một kỳ mở hụi.

Như vậy, đối với hốt hụi không có lãi thì thứ tự hốt hụi được xác định theo thỏa thuận của các thành viên hoặc bốc thăm nếu không có thỏa thuận. Đối với hốt hụi có lãi thì thành viên trả lãi cao nhất được hốt hụi trước trong mỗi kỳ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu nhiều người trả cùng mức lãi cao nhất thì bốc thăm. Thành viên đã hốt hụi không được đưa ra mức lãi suất trong các kỳ sau, trừ trường hợp thành viên góp nhiều phần hụi. Thành viên góp nhiều phần hụi được quyền trả lãi tương ứng với số phần hụi góp.

3. Lãi suất hốt hụi có lãi

Theo Điều 21 Nghị định 19/2019/NĐ-CP quy định mức lãi suất hốt hụi có lãi như sau:

- Lãi suất hốt hụi có lãi do các thành viên của dây hụi thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được hốt hụi tại mỗi kỳ mở hụi nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi phải góp trừ đi giá trị các phần hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây hụi.

Lưu ý: Trường hợp mức lãi suất giới hạn nói trên được điều chỉnh bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự thì áp dụng mức lãi suất giới hạn được điều chỉnh đó.

- Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận hoặc do từng thành viên đưa ra để được hốt hụi tại mỗi kỳ mở hụi vượt quá lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 19/2019/NĐ-CP thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Mức lãi suất chậm góp, chậm giao hụi được quy định tại Điều 22 Nghị định 19/2019/NĐ-CP như sau:

- Trường hợp đến kỳ mở hụi mà chủ hụi không giao hoặc giao không đầy đủ các phần hụi cho thành viên được hốt hụi, thành viên chưa hốt hụi không góp phần hụi hoặc góp phần hụi không đầy đủ thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.

- Lãi suất phát sinh do chậm góp hoặc chậm giao phần hụi được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 19/2019/NĐ-CP của số tiền chậm trả trên thời gian chậm trả, nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 19/2019/NĐ-CP của số tiền chậm trả trên thời gian chậm trả.

- Trường hợp đến kỳ mở hụi mà thành viên đã hốt hụi không góp phần hụi hoặc góp phần hụi không đầy đủ thì phải trả lãi như sau:

+ Trường hợp hụi không có lãi, lãi suất được xác định theo thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 19/2019/NĐ-CP của số tiền chậm góp hụi trên thời gian chậm góp, nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định bằng 50%/năm mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 19/2019/NĐ-CP của số tiền chậm góp trên thời gian chậm góp.

+ Trường hợp hụi có lãi, lãi suất được xác định theo mức quy định tại khoản 5 Điều 466 của Bộ luật dân sự đối với hụi có lãi.

Như vậy, lãi suất hốt hụi có lãi do các thành viên thỏa thuận nhưng không vượt quá 20%/năm của tổng giá trị các phần hụi còn lại. Đối với lãi suất chậm góp, chậm giao hụi do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất giới hạn.Trường hợp không có thỏa thuận, lãi suất chậm góp, chậm giao bằng 50% mức lãi suất giới hạn.

Hứa Lê Huy
1137

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn