Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 36/2024/TT-BTC về chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Thẩm định giá doanh nghiệp vào ngày ngày 16/5/2024.
Thông tư 36/2024/TT-BTC sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2024.
Cụ thể, tại Điều 7 Thông tư 36/2024/TT-BTC quy định các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp bao như sau:
(1) Cách tiếp cận từ thị trường
Giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua giá trị của doanh nghiệp so sánh với doanh nghiệp cần thẩm định giá tương đồng về các yếu tố: quy mô; ngành nghề kinh doanh chính; rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính; các chỉ số tài chính hoặc giá giao dịch đã thành công của chính doanh nghiệp cần thẩm định giá.
Phương pháp sử dụng trong cách tiếp cận từ thị trường để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp tỷ số bình quân và phương pháp giá giao dịch.
(2) Cách tiếp cận từ chi phí
Giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua giá trị các tài sản của doanh nghiệp. Phương pháp sử dụng trong cách tiếp cận từ chi phí để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp tài sản.
(3) Cách tiếp cận từ thu nhập
Giá trị doanh nghiệp được xác định thông qua việc quy đổi dòng tiền thuần trong tương lai có thể dự báo được về thời điểm thẩm định giá. Phương pháp sử dụng trong cách tiếp cận từ thu nhập để xác định giá trị doanh nghiệp là phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp, phương pháp chiết khấu dòng cổ tức và phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu.
Khi xác định giá trị doanh nghiệp bằng cách tiếp cận từ thu nhập cần cộng giá trị của các tài sản phi hoạt động tại thời điểm thẩm định giá với giá trị chiết khấu dòng tiền có thể dự báo được của các tài sản hoạt động tại thời điểm thẩm định giá. Trong trường hợp không dự báo được một cách đáng tin cậy dòng tiền của một số tài sản hoạt động thì có thể không dự báo dòng tiền của tài sản hoạt động này và xác định riêng giá trị của tài sản hoạt động này để cộng vào giá trị doanh nghiệp.
Riêng phương pháp chiết khấu cổ tức thì không cộng thêm phần tài sản phi hoạt động là tiền mặt và tương đương tiền.
Cần lưu ý rằng việc áp dụng các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp nêu trên cần phải phù hợp với cơ sở giá trị doanh nghiệp và nhận định về trạng thái hoạt động của doanh nghiệp tại và sau thời điểm thẩm định giá.
Theo Điều 9 Thông tư 36/2024/TT-BTC quy định thì phương pháp tỷ số bình quân trong thẩm định giá doanh nghiệp ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá thông qua tỷ số thị trường trung bình của các doanh nghiệp so sánh.
Trong đó doanh nghiệp so sánh là doanh nghiệp thỏa mãn các điều kiện sau đây:
- Các yếu tố tương tự với doanh nghiệp cần thẩm định giá, gồm:
+ Ngành nghề kinh doanh chính;
+ Rủi ro kinh doanh, rủi ro tài chính;
+ Các chỉ số tài chính, cụ thể bao gồm:
++ Chỉ số phản ánh quy mô của doanh nghiệp: giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu, doanh thu thuần, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ;
++ Chỉ số phản ánh khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp (tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình trong 03 năm gần nhất);
++ Chỉ số phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA));
- Có thông tin về giá cổ phần được giao dịch thành công trên thị trường tại thời điểm thẩm định giá hoặc gần thời điểm thẩm định giá nhưng không quá 01 năm tính đến thời điểm thẩm định giá.
Về điều kiện áp dụng phương pháp tỷ số bình quân trong thẩm định giá doanh nghiệp thì cần có ít nhất 03 doanh nghiệp so sánh. Ưu tiên các doanh nghiệp so sánh là các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Cũng theo Điều 9 Thông tư 36/2024/TT-BTC thì phương thức thực hiện phương pháp tỷ số bình quân được quy định bao gồm việc:
- Đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp so sánh;
- Xác định tỷ số thị trường được sử dụng để ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá;
- Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá trên cơ sở các tỷ số thị trường phù hợp để sử dụng và thực hiện các điều chỉnh khác biệt.
Trân trọng!