30/11/2023 09:50

Điểm tín dụng là gì? Kiểm tra điểm tín dụng thế nào?

Điểm tín dụng là gì? Kiểm tra điểm tín dụng thế nào?

Tôi muốn biết điểm tín dụng là gì? Kiểm tra điểm tín dụng thế nào?_Hạo Nhiên(Hà Tĩnh)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Điểm tín dụng là gì?

Điểm tín dụng là chỉ số đánh giá độ uy tín của khách hàng trong lịch sử vay vốn ở các ngân hàng hay tổ chức tài chính. Điểm tín dụng của mỗi cá nhân được đánh giá và ghi nhận tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (gọi tắt là CIC). Theo đó, điểm tín dụng càng cao thì khả năng khách hàng được chấp nhận khoản vay cao hơn. Ngược lại, điểm tín dụng thấp thì khách hàng khó có thể tiếp cận được khoản vay.

Mục đích của hoạt động thông tin tín dụng (CIC)

Theo quy định tại Điều 4  Thông tư 03/2013/TT-NHNN thì mục đích của hoạt động thông tin tín dụng nhằm tạo lập Cơ sở dữ liệu Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) để hỗ trợ:

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) thực hiện chức năng quản lý, giám sát hoạt động ngân hàng, góp phần bảo đảm an toàn hệ thông ngân hàng Việt Nam.

- Tổ chức tín dụng ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

- Khách hàng vay trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các tổ chức cấp tín dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

2. Kiểm tra điểm tín dụng thế nào?

Kiểm tra điểm tín dụng CIC trực tiếp

Kiểm tra điểm tín dụng trực tiếp là hình thức khách hàng đến chi nhánh hoặc phòng giao dịch bất kỳ của ngân hàng để đăng ký các hồ sơ mở tín dụng. Khách hàng sẽ được nhân viên ngân hàng hỗ trợ tra cứu điểm tín dụng cho khách hàng.

Các bước cụ thể bao gồm:

- Bước 1: Đến chi nhánh ngân hàng hoặc các văn phòng công ty tài chính

- Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký khoản vay cho nhân viên phụ trách và yêu cầu kiểm tra lịch sử tín dụng cá nhân;

- Bước 3: Dựa vào thông tin từ CMND/CCCD, ngân hàng sẽ truy xuất được dữ liệu lịch sử tín dụng trên hệ thống CIC và thông báo kết quả cho khách hàng.

Mỗi cá nhân bất kỳ sẽ được miễn phí tra cứu điểm tín dụng CIC định kỳ hằng năm 1 lần. Từ lần thứ 2 trở đi trong năm, quý khách sẽ phải nộp phí 30,000 đồng/lần.

Kiểm tra điểm tín dụng online (trực tuyến) 

Kiểm tra điểm tín dụng online là hình thức khách hàng tự kiểm tra kết quả CIC của mình trên website của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC).

Các bước thực hiện như sau:

- Bước 1: Truy cập vào website của CIC: https://cic.gov.vn/ và chọn “Đăng ký”.

- Bước 2: Điền đầy đủ thông tin yêu cầu

- Bước 3: Thiết lập mật khẩu và nhập mã xác nhận OTP.

- Bước 4: Xác thực thông tin qua hình thức hỏi đáp với nhân viên CIC.

- Bước 5: Nhận kết quả đăng ký qua SMS/email.

- Bước 6: Đăng nhập vào website CIC và kiểm tra CIC cá nhân tại phần thông tin cá nhân.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến điểm tín dụng CIC

Quy tắc đánh giá điểm tín dụng sẽ dựa trên những quy chuẩn của CIC để đánh giá. Theo đó, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến điểm tín dụng CIC, bao gồm:

- Lịch sử thanh toán các khoản nợ (35%): Đây là yếu tố quan trọng chiếm tỷ lệ 35% trong các yếu tố đánh giá điểm tín dụng. Lịch sử thanh toán nợ phản ánh quá trình trả nợ các khoản vay có đúng hạn hay không, bao gồm các khoản vay trước đó đã hoàn tất và những khoản đang trả.

Vì vậy, trong quá trình đi vay ở bất cứ ngân hàng hay công ty tài chính nào, việc trả nợ đúng hạn là điều rất quan trọng. Lịch sử thanh toán nợ tốt sẽ giúp điểm tín dụng được cải thiện, tạo lợi thế trong quá trình xét duyệt các khoản vay trong tương lai.

- Khoản nợ tín dụng tính đến thời điểm đi vay (30%): Các khoản nợ tín dụng biểu thị tổng số nợ và tỷ lệ nợ tín dụng từ tất cả các khoản vay khách hàng đang phải trả ở thời điểm hiện tại. Con số này phải duy trì ở mức trung bình thì hồ sơ vay vốn của khách hàng mới được thuận lợi thông qua.

- Thời gian mở tài khoản tín dụng (15%): Thời gian này được tính từ lúc mở tài khoản tín dụng đến thời điểm hiện tại. Thời gian duy trì hoạt động của tài khoản tín dụng càng lâu thì càng được ngân hàng đánh giá cao. Bởi vì, đây là yếu tố giúp ngân hàng phân tích lịch sử tín dụng chi tiết và cụ thể nhất.

- Loại tín dụng (10%): Yếu tố này được xem xét trên tất cả các khoản tín dụng mà khách hàng đang có. Ví dụ thẻ tín dụng ngân hàng, các khoản vay tín chấp, vay thế chấp ngân hàng,…

- Tài khoản tín dụng mới (10%): Yếu tố này xem xét trên các khoản vay mới mở của khách hàng. Khi mở càng nhiều khoản vay, điểm tín dụng sẽ càng xấu đi.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
16478

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]