19/04/2021 14:25

Di chúc vô hiệu do vượt quá quyền định đoạt tài sản

Di chúc vô hiệu do vượt quá quyền định đoạt tài sản

Quan hệ hôn nhân của vợ chồng được thiết lập không chỉ làm phát sinh mối quan hệ nhân thân, các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, phải gắn bó, yêu thương, chung thủy với nhau, mà còn phát sinh quan hệ tài sản chung của vợ chồng. Việc định đoạt tài sản chung như chuyển nhượng, tặng cho, di chúc thế nào là một trong những vấn đề thắc mắc của nhiều cặp vợ chồng.

Cụ thể, tại Bản án dân sự phúc thẩm số 10/2020/DS-PT ngày 20/05/2020 về tranh chấp thừa kế tài sản, quyền sở hữu tài sản và tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu có nội dung cụ thể như sau:

“Ông T và bà K ly hôn năm 2004 ly hôn và chia tài sản chung của vợ chồng. Bà L và T kết hôn với nhau từ năm 2008. Sau khi ông T chết (năm 2014) có để lại di chúc phân chia tài sản của ông cho 2 con là cháu TX, cháu B. Năm 2017, cháu TX đã đột ngột qua đời và bà K yêu cầu được hưởng di sản thừa kế của TX.

Bà L có yêu cầu phản tố cho rằng di chúc của ông T là giả mạo và tài sản trên đất là tài sản của gia đình bà, trong đó bà cũng có quyền sử dụng. Ông T không được tự ý định đoạt tài sản chung khi chưa có sự đồng ý của bà.”

Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La có quyết định: Tuyên bố di chúc ông Hoàng T lập ngày 14/8/2014 vô hiệu đối với việc định đoạt quyền sử dụng diện tích đất 10.580m2. Đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vô hiệu đối với việc định đoạt ½ giá trị ngôi nhà là tài sản chung của ông Hoàng T với bà L.

Hiện nay Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:

Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

  1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
    Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
  1. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
  2. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Như vậy, tài sản nào được đã liệt kê trong số các tài sản nêu trên sẽ được coi là tài sản chung của vợ chồng. Theo đó, cả hai vợ chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt với số tài sản chung đó. Song trên thực tế, việc thực hiện quyền định đoạt tài sản chung thế nào để không vi phạm quy định của luật và dẫn đến tranh chấp giữa các bên thì không phải ai cũng nắm rõ.

Tại Nghị định 126/2014/NĐ-CP có quy định như sau:

Điều 13. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng

  1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình.

Trong tình huống trên, ông T định đoạt toàn bộ tài sản trên đất gồm tài sản trước hôn nhân và cả phần tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân đối với bà L (tài sản chung vợ chồng) là vượt quá quyền hạn của mình mặc dù di chúc đã được công chứng, chứng thực. Do đó, Tòa án xác định di chúc ông Hoàng T để lại vô hiệu đối với phần phân chia quyền sử dụng đất cũng như phần giá trị tài sản của bà L trong khối tài sản chung vợ chồng là có căn cứ.

Như vậy, pháp luật hiện nay tôn trọng quyền tự thỏa thuận của vợ chồng trong việc định đoạt tài sản chung trong đó bao gồm việc lập di chúc. Dù di chúc đã được công chứng thì vẫn vô hiệu do nguyên nhân vợ hoặc chồng tự ý lập di chúc để lại di sản chung mà không có sự thống nhất của cả hai vợ chồng.

Như Ý
4299

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]