02/02/2023 09:35

Đề xuất tổ chức kỳ thi ở cấp quốc gia để cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

Đề xuất tổ chức kỳ thi ở cấp quốc gia để cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

"Tôi thấy dạo này có rất nhiều đề xuất sửa đổi các luật khác nhau. Vậy tôi muốn hỏi hiện nay đã có đề xuất nào liên quan đến việc sửa đổi Luật Luật sư chưa? Xin cảm ơn!" _ Ngọc Ánh (Bình Dương)  

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau: 

Hiện nay Chính phủ đã có dự thảo Tờ trình về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 trong đó có các đề xuất sửa đối với Luật Luật sư như sau:

1. Đề xuất tổ chức kỳ thi ở cấp quốc gia để cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

Cụ thể, tại Dự thảo Tờ trình có nêu rõ:

Về kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư: Theo quy định của Luật Luật sư (Điều 15, 65) thì kết quả tập sự hành nghề luật sư được đánh giá thông qua kỳ kiểm tra do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức.

Hiện nay, theo chủ trương của Đảng cần nghiên cứu việc tổ chức kỳ thi quốc gia để cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư. Do đó, cần rà soát, sửa đổi theo hướng kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư là kỳ thi ở cấp quốc gia và người qua kỳ thi này sẽ được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.

2. Đề xuất thay chế định “người tập sự hành nghề luật sư” thành “luật sư tập sự”

Tại Dự thảo Tờ trình có nêu:

Luật Luật sư quy định chế định “người tập sự hành nghề luật sư” với một số quyền hạn chế. Thực tiễn triển khai chế định này cho thấy Đoàn Luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam không có cơ sở pháp lý để quản lý người tập sự hành nghề luật sư, nhất là đối với trường hợp sau kết thúc thời gian tập sự, người tập sự chưa làm thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, gia nhập Đoàn Luật sư hoặc không đạt kỳ kiểm tra kết quả tập sự. Một số quy định còn hạn chế quyền của người tập sự, người tập sự ít cơ hội cọ xát với nghề và chưa phù hợp với quy định của pháp luật khác (quy định về đại diện theo ủy quyền của pháp luật về dân sự...).

Vì vậy, cần nghiên cứu theo hướng thay chế định “người tập sự hành nghề luật sư” thành “luật sư tập sự”, đồng thời rà soát quy định rõ, mở rộng hơn một số công việc luật sư tập sư được làm khi được khách hàng đồng ý và dưới sự giám sát, chịu trách nhiệm của luật sư hướng dẫn.

3. Đề xuất bổ sung tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 của Luật Luật sư

Nguyên nhân: Chất lượng dịch vụ của luật sư chưa đồng đều, chưa tương xứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và tạo lập được niềm tin với người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Việc phát triển đội ngũ luật sư có trình độ ngoại ngữ, hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế còn chưa tương xứng với yêu cầu của thực tiễn. Từ thực tiễn trên Đảng đã chỉ đạo, nghiên cứu, rà soát nâng cao tiêu chuẩn chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư.

4. Một số đề xuất tiêu biểu khác

- Đề xuất bổ sung căn cứ thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư do quy định hiện nay chưa chặt chẽ, cơ quan quản lý nhà nước không có căn cứ thu hồi hoặc đình chỉ hiệu lực của Chứng chỉ trong một số trường hợp (luật sư bị khởi tố, trong quá trình bị điều tra…).

- Đề xuất cần có quy định cấm luật sư kiêm nhiệm hành nghề khác để bảo đảm tính thống nhất với các luật khác, ví dụ Điều 15 của Luật Công chứng quy định về miễn nhiệm công chứng viên trong trường hợp Công chứng viên kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác, trong đó có luật sư.

- Đề xuất giảm bớt khâu trung gian tiếp nhận thủ tục hành chính về thủ tục đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật luật sư, tránh tình trạng hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ gửi Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư, sau đó chuyển Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp. Điều này gây khó khăn cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Xem thêm tại Dự thảo tờ trình

https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2022/Du-thao-To-trinh.zip

Nguyễn Thị Sáng
2456

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn