Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:
Ngày 04/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 164/NQ-CP trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ, ý kiến các đại biểu dự họp và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, tổ chức vào ngày 30/9/2023.
>>Xem thêm: Hướng dẫn xử lý hộ kinh doanh đăng ký tạm ngừng theo Công văn 2749/TCT-KK
Chính phủ cơ bản thống nhất với Báo cáo 8068/BC-BKHĐT ngày 29/9/2023 Bộ Kế hoạch và Đầu tư, yêu cầu:
- Ngân hàng Chính sách Xã hội chuẩn bị các điều kiện, thủ tục cần thiết để bảo đảm giải ngân hết số vốn 16.100 tỷ đồng dự kiến điều chuyển để bổ sung cho chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong năm 2023.
- Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đẩy mạnh thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của Chương trình; điều chuyển giữa kế hoạch vốn của Chương trình và Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 được giao theo quy định tại Nghị quyết 93/2023/QH15 của Quốc hội, bảo đảm giải ngân hết kế hoạch vốn.
- Các Thành viên Chính phủ trực tiếp giải trình, bổ sung thông tin, làm rõ các nội dung theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 đối với các chính sách do bộ, cơ quan mình phụ trách.
Trong những tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Ở trong nước, nền kinh tế phục hồi tích cực, nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp đang từng bước phát huy hiệu quả; công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục mở ra cơ hội mới cho thu hút đầu tư; tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Để nỗ lực phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, tập trung thực hiện nội dung sau:
- Tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp để bảo đảm thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt dự toán Quốc hội giao, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số... và chống thất thu thuế, đặc biệt đối với dịch vụ ăn uống, hoạt động kinh tế ban đêm. Điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2023 theo sát dự toán được giao, triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cần thiết.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành. Đối với các chính sách có hiệu lực hết năm 2023, chủ động nghiên cứu, rà soát, xem xét, kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền gia hạn trong trường hợp cần thiết để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
- Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã quy định tại Nghị quyết 30/2022/UBTVQH15 trong năm 2024, trình Chính phủ trong tháng 10/2023. Đề xuất việc trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định trong thời gian giữa 02 kỳ họp Quốc hội nếu tình hình kinh tế và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, báo cáo Quốc hội vào kỳ họp gần nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 07/10/2023.
- Chủ trì thống nhất với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương liên quan về số chi từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021 bố trí cho 03 dự án xây dựng đường bộ cao tốc theo chỉ đạo của Chính phủ tại điểm c khoản 3 Mục I Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 10/9/2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp vào báo cáo đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 để trình Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2023.
- Tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội để báo cáo, giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022; khẩn trương triển khai phương án sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua.
- Trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan, địa phương về các chính sách phí, lệ phí khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến (như: thu phí, lệ phí 0 đồng hoặc giảm 50% phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thời gian áp dụng đến hết năm 2025), Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2023.
Như vậy, Chính phủ giao Bộ Tài chính trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 nhằm thu hút đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục mở ra cơ hội mới, từng bước phục hồi kinh tế.
Trân trọng!