Ngày 07/6/2024, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã đăng tải file toàn văn dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự. Theo đó, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự được soạn thảo bởi Bộ Quốc phòng và đang được lấy ý kiến bởi các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Tải Tờ trình Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/to-trinh-nd-mat-ma-ds.pdf
Tải Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/dt-nd-mat-ma-ds.pdf
1. Đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự
Theo như Tờ trình Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự, tại Chương II - Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự, Dự thảo Nghị định ban hành ban hành các nội dung sau:
- Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự,
- Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và nguyên tắc áp dụng Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép;
- Quy định chi tiết điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, trình tự, thủ tục cấp mới, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, gia hạn Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; trình tự, thủ tục đề nghị cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự.
Các quy định về trình tự, thủ tục cấp phép tại Chương này đã đồng bộ nhằm thực thi quy định về cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính và phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực mật mã dân sự.
So với Nghị định 58/2016/NĐ-CP, tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật An toàn thông tin mạng về mật mã dân sự, Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép (ban hành tại Phụ lục I, Phụ lục II Dự thảo Nghị định) đã có một số điều chỉnh phù hợp với thực trạng hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, đồng thời phù hợp với yêu cầu quản lý các sản phẩm mật mã dân sự hiện nay, cụ thể:
- Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự có 07 nhóm sản phẩm, trong đó:
+ Gộp nhóm "Sản phẩm sinh khóa mật mã, quản lý hoặc lưu trữ khóa mật mã" và nhóm "Thành phần mật mã trong hệ thống PKI" thành nhóm "Sản phẩm sinh khóa mật mã, quản lý hoặc lưu trữ khóa mật mã";
+ Thay thế nhóm "Sản phẩm bảo mật luồng IP và bảo mật kênh" bằng nhóm "Sản phẩm bảo mật luồng IP";
+ Bổ sung Danh mục sản phẩm mật mã dân sự loại trừ (từ 09 nhóm tăng lên 12 nhóm).
Bên cạnh đó, thay đổi cấu trúc và nội dung của Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép (gồm tên sản phẩm, mã số HS, mô tả hàng hóa, mô tả đặc tính kỹ thuật mật mã) trên cơ sở kế thừa Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 32/2023/NĐ-CP.
Theo khoản 18 Điều 3 Luật an toàn thông tin mạng 2015, có định nghĩa như sau: Mật mã dân sự là kỹ thuật mật mã và sản phẩm mật mã được sử dụng để bảo mật hoặc xác thực đối với thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Tại Điều 31 Luật an toàn thông tin mạng 2015 quy định về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự như sau:
- Doanh nghiệp phải có Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự khi kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự thuộc Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự.
- Doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Có đội ngũ quản lý, điều hành, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyên môn về bảo mật, an toàn thông tin;
+ Có hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất phù hợp với quy mô cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;
+ Có phương án kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
+ Có phương án bảo mật và an toàn thông tin mạng trong quá trình quản lý và cung cấp sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự;
+ Có phương án kinh doanh phù hợp.
- Sản phẩm mật mã dân sự phải được kiểm định, chứng nhận hợp quy trước khi lưu thông trên thị trường.
- Doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.