13/12/2022 08:52

Đẻ thuê là gì? Phân biệt đẻ thuê và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Đẻ thuê là gì? Phân biệt đẻ thuê và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Vấn nạn đẻ thuê cũng không còn quá xa lạ ở Việt Nam. Thêm nữa mới đây lại có nghi án về đường dây đẻ thuê bị phát hiện tại huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ban biên tập cho tôi hỏi pháp luật nước ta có quy định xử phạt đẻ thuê như thế nào? Làm sao để phân biệt được đẻ thuê và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo? “Hải Lan-Hà Nội”

Chào bạn, Thư Viện Bản Án xin giải đáp câu hỏi của bạn như sau:

1. Mang thai hộ là gì?

Luật Hôn nhân gia đình 2014 có quy định về các khái niệm mang thai hộ. Theo đó:

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Mang thai hộ vì mục đích thương mại (hay đẻ thuê) là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Mang thai hộ vì mục đích thương mại là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân gia đình.

2. “Đẻ thuê” bị xử phạt như thế nào?

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về hình thức xử lý đối với các bên thuê và nhận đẻ thuê mà chỉ mới quy định xử phạt đối với người tổ chức đẻ thuê (hay mang thai hộ vì mục đích thương mại).

Cụ thể tại Điều 187 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

“1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;

d) Tái phạm nguy hiểm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù lên đến 05 năm.

3. Phân biệt đẻ thuê và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Điểm khác biệt chính để phân biệt hai khái niệm này chính là mục đích của việc mang thai hộ.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con.

Trong khi đó, Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.

Nhằm hạn chế các trường hợp đẻ thuê, nhưng cũng tạo điều kiện để giúp đỡ các cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc có con, pháp luật nước ta có các quy định cụ thể trong việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có những quy định khắt khe hơn nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ, sức khỏe, tâm lý của các bên, đồng thời có các chế định về giải quyết tranh chấp khi có vấn đề phát sinh.

Cả hai bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ phải đáp ứng những điều kiện sau đây:

- Đối với vợ chồng nhờ mang thai hộ:

+ Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

+ Vợ chồng đang không có con chung;

+ Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

- Đối với người được nhờ mang thai hộ:

+ Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;

+ Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;

+ Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;

+ Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;

+ Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Thỏa thuận về việc mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của các bên, giải quyết tranh chấp liên quan đến việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định tại các Điều 96, 97, 98, 99 Luật Hôn nhân gia đình.

Mời bạn tham khảo thêm một số bản án liên quan đến Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại đã được xét xử trên thực tế:

(1) Bản án về tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại số 111/2021/HSPT

(2) Bản án về tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại số 13/2022/HS-PT

(3) Bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại số 245/2022/HS-PT

Phương Uyên
12352

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn