30/08/2024 17:38

Dãy số seri được in trên tiền Việt Nam có ý nghĩa gì?

Dãy số seri được in trên tiền Việt Nam có ý nghĩa gì?

Nhiều người cho rằng số seri đẹp trên các mệnh giá tiền có ý nghĩa là mang lại tài lộc và may mắn hoặc đơn giản là số seri đó trùng với ngày tháng năm sinh của mình. Tuy nhiên ít ai biết được ý nghĩa của dãy số seri được in trên tiền Việt Nam là gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau

1. Dãy số seri được in trên tiền Việt Nam có ý nghĩa gì? 

 Tại Điều 3 Thông tư 01/2024/TT-NHNN quy định, mỗi tờ tiền sẽ được in một số seri riêng, số seri này sẽ bao gồm vần seri và dãy số tự nhiên với số lượng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trong đó:

- Vần seri được ghép bởi 2 chữ trong số 26 chữ này A, B, C, D, E, F, G, H, I, J, K, L, M, N, O, P, Q, R, S, T, U, V, W, X, Y, Z

- Vần chính là vần seri sử dụng để in trên các tờ tiền theo số lượng, cơ cấu tiền in hàng năm.

- Vần phụ là vần seri sử dụng để in trên các tờ tiền thay thế những tờ tiền in hỏng.

- Nguyên tắc in dãy số seri trong quá trình in tiền được thực hiện như sau:

+ Đối với các loại tiền được Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ trước năm 2003 (gồm tiền giấy 5.000đ, 2.000đ, 1.000đ, 500đ, 200đ và 100đ), seri của những mệnh giá này sẽ bao gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 07 chữ số được in từ 0000001 trở đi

+ Đối với các loại tiền được Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ năm 2003 trở đi (gồm tiền giấy 500.000đ, 200.000đ, 100.000đ, 50.000đ, 20.000đ, 10.000đ), seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền, 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi;

Ví dụ: nếu phía sau vần seri là số 17 thì có nghĩa là tờ tiền này được sản xuất vào năm 2017, tương tự nếu là số 16 thì có nghĩa là nó được sản xuất vào năm 2016

2. Quản lý seri tiền mới in trong quá trình giao, nhận tiền

Căn cứ tại Điều 6 Thông tư 01/2024/TT-NHNN quy định việc quản lý seri tiền mới in trong quá trình giao, nhận tiền như sau:

* Trong quá trình giao, nhận tiền mới in

- Cơ sở in, đúc tiền giao tiền mới in cho Ngân hàng Nhà nước (Cục Phát hành và Kho quỹ); giao, nhận tiền mới in giữa các Kho tiền Trung ương; giao, nhận tiền mới in giữa Kho tiền Trung ương với Sở Giao dịch và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh; giao, nhận tiền mới in giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh với nhau.

Bên giao tiền mới in phải lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định tại điểm c khoản này kèm theo biên bản giao nhận tiền hoặc phiếu xuất. Bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng kê với thực tế giao nhận; trường hợp phát hiện sai sót, bên nhận phải thông báo cho bên giao để thống nhất điều chỉnh, đảm bảo khớp đúng với thực tế giao nhận;

- Khi xuất tiền mới in từ Quỹ dự trữ phát hành sang Quỹ nghiệp vụ phát hành tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh và ngược lại, thủ kho bên giao lập bảng kê seri của các loại tiền theo quy định tại điểm c khoản này. Thủ kho bên nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu nội dung bảng kê với thực tế giao nhận; trường hợp phát hiện sai sót, bên nhận phải thông báo cho bên giao để thống nhất điều chỉnh, đảm bảo khớp đúng với thực tế giao nhận;

- Bảng kê seri do thủ kho bên giao ký và phải thể hiện chính xác các yếu tố: Bên giao, bên nhận, loại tiền, số lượng, vần seri, năm sản xuất, ký hiệu bao, gói, bó tiền hoặc quy cách đóng gói khác do Ngân hàng Nhà nước quy định. Bảng kê này được lập thành 02 liên, mỗi bên giao, nhận giữ 01 liên.

* Trách nhiệm theo dõi, quản lý, lưu trữ thông tin seri tiền mới in

- Bên giao và bên nhận có trách nhiệm theo dõi, quản lý, lưu trữ thông tin seri của các bao, gói, bó tiền mới in đã giao, nhận tại đơn vị;

- Khi Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh xuất tiền mới in theo bao nguyên niêm phong cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước và các đối tượng khác, bên giao có trách nhiệm quản lý, lưu trữ thông tin seri tiền mới in đã xuất cho các đơn vị.

3. Quy định về việc thu hồi, thay thế tiền

Theo Điều 20 Nghị định 40/2021/NĐ-CP quy định ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước sẽ tổ chức việc thu, đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, quy định về việc thu hồi, thay thế tiền tại Điều 21 Nghị định 40/2021/NĐ-CP như sau:

* Công bố thu hồi và thay thế tiền:

Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đình chỉ lưu hành và thay thế các loại tiền trong lưu thông. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về:

- Chủ trương của Chính phủ về đình chỉ lưu hành và thu hồi tiền đình chỉ lưu hành từ lưu thông; thay thế một phần hay toàn bộ các loại tiền đang lưu hành.

- Hình thức, thủ tục, thời hạn thu hồi các loại tiền đình chỉ lưu hành.

* Thu hồi, thay thế tiền:

- Ngân hàng Nhà nước tổ chức thu hồi các loại tiền đình chỉ lưu hành theo quy định.

- Các loại tiền thu hồi được đổi lấy các loại tiền khác với giá trị tương đương trong thời hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định.

- Việc phát hành các loại tiền khác thay thế thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
1075

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]