Xin chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau
Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì "Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế"
Về bản chất, đầu tư theo hợp đồng BCC là việc hai hay nhiều chủ thể đầu tư liên kết với nhau để thực hiện chung một dự án kinh doanh. Những nhà đầu tư này không muốn thành lập một tổ chức kinh tế mới bởi nhiều lý do như: dự án cần tiến hành ngay, thủ tục thành lập phức tạp, tốn kém. Khi đó, các bên sẽ lập hợp đồng hợp tác kinh doanh theo hình thức BCC để thể hiện sự liên kết đầu tư giữa hai bên.
Những đặc điểm của hợp đồng BCC làm cho hình thức đầu tư này có những ưu điểm nhất định mà các hình thức đầu tư khác không có. Hợp đồng hợp tác BCC được Luật Đầu tư 2020 và Bộ Luật Dân sự 2015 điều chỉnh.
Thứ nhất, chủ thể của hợp đồng hợp tác BCC phải từ hai trở lên
Chủ thể tham gia hợp đồng BCC có thể là giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau. Theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư bao gồm: Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy chủ thể tham gia hợp đồng BCC là các nhà đầu tư được phép thực hiện hoạt động đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam và phải từ hai trở lên
Thứ hai, hợp đồng BCC là hợp đồng song vụ và phải được lập bằng văn bản
Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà các bên có nghĩa vụ đối ứng với nhau, trong hợp đồng BCC các bên tham gia có thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của của các bên và để ghi nhận hợp đồng BCC một cách đảm bảo pháp lý thì phải được ghi nhận bằng văn bản.
Thứ ba, nội dung của hợp đồng BCC được Luật Đầu tư 2020 và Bộ Luật dân sự 2015 quy định
Theo đó những nội dung bắt buộc phải có được quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Đầu tư 2020 và các nội dung khác sẽ được các bên tham gia hợp đồng BCC thỏa thuận theo quy định của Bộ Luật Dân sự mà chủ yếu là tại Mục 8 Chương XVI Bộ Luật Dân sự 2015.
Thứ tư, đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC không cần thành lập tổ chức kinh tế
Đây là một điểm khác để phân biệt với các hình thức đầu tư khác, theo đó đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh không cần thành lập tổ chức kinh tế, nhằm mục đích tạo sự thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc tham gia hợp đồng.
Thứ năm, các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC
Việc thành lập ban điều phối nhằm thực hiện các điều khoản của hợp đồng mà các bên đã cam kết. Ban điều phối sẽ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm nghĩa vụ của các bên tham gia.
Dựa theo quy định tại Điều 27 và 28 Luật Đầu tư 2020, sau đây là một số lợi ích mà hợp đồng BCC mang lại cho nhà đầu tư.
- Hợp đồng hợp tác BCC không quy định chủ thể giữa các bên ký kết phải là pháp nhân. Như vậy, các bên tự do thỏa thuận ký kết mà không bị ràng buộc bởi pháp nhân chung.
- Đầu tư theo hợp đồng BCC có thể giúp các nhà đầu tư tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và tiền bạc do không phải thành lập tổ chức kinh tế. Theo đó, nếu nhà đầu tư thành lập tổ chức kinh tế thì sẽ phải thực hiện khá nhiều thủ tục liên quan đến thành lập doanh nghiệp, bao gồm các giấy phép chính và nhiều giấy phép con liên quan.
- Đầu tư theo hợp đồng BCC, các bên tham gia sẽ được hỗ trợ nhau trong quá trình kinh doanh. Vì không giới hạn số lượng nhà đầu tư tham gia vào hợp đồng nên các bên có thể hỗ trợ nhau những thiếu sót liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh, bằng khả năng và kinh nghiệm đầu tư của các bên.
- Khi thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư tham gia danh tư cách pháp lý độc lập của mình để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Điều này giúp cho các nhà đầu tư có địa vị bình đằng với nhau trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh, nhân danh chính nhà đầu tư.
- Hợp đồng BCC sẽ có sự hỗ trợ của ban điều phối. Chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của ban điều phối do các bên thỏa thuận, càng nhiều bên tham gia hợp đồng BCC, ban điều phối càng phát huy tối đa vai trò của mình trong việc nâng cao trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng, từ đó tăng cường hiệu quả thực hiện hợp đồng đã ký kết.
- Các nhà đầu tư có thể cùng nhau hợp tác và làm ăn lâu dài. Lợi ích này xuất phát từ việc các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp, điều này giúp các nhà đầu tư hợp tác và làm ăn lâu dài hơn trong tương lai, khi cùng là đồng chủ sở hữu trong một doanh nghiệp.
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC giúp các bên rõ ràng trong việc phân chia lợi nhuận. Xuất phát từ nội dung bắt buộc phải có được quy định trong hợp đồng BCC đó là về vấn đề phân chia kết quả của hoạt động đầu tư. Thỏa thuận trong hợp đồng sẽ rõ ràng trong việc phân chia kết quả kinh doanh sao cho phù hợp với mức độ đóng góp của các bên tham gia.
Như vậy, hợp đồng hợp tác kinh doanh có rất ưu điểm nổi trội như: Tiếp kiệm thời gian, công sức và tiền bạc; Các nhà đầu tư hỗ trợ nhau trong quá trình kinh doanh; Có sự hỗ trợ của ban điều phối; Rõ ràng trong việc phân chia lợi nhuận, ...