16/02/2024 15:52

Đấu thầu qua mạng là gì? Lựa chọn nhà đầu tư qua mạng thế nào?

Đấu thầu qua mạng là gì? Lựa chọn nhà đầu tư qua mạng thế nào?

Tôi muốn hỏi đấu thầu qua mạng là gì? Lựa chọn đầu tư qua mạng thế nào?_Thanh Phúc(Hà Nam)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Đấu thầu qua mạng là gì?

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 thì đấu thầu qua mạng là việc thực hiện hoạt động đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Theo đó, tại Khoản 18 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 quy định Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là hệ thống công nghệ thông tin do cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu xây dựng và quản lý nhằm mục đích thống nhất quản lý thông tin về đấu thầu và thực hiện đấu thầu qua mạng.

Như vậy, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là nền tảng công nghệ thông tin được sử dụng để thực hiện đấu thầu qua mạng, đảm bảo thống nhất quản lý thông tin và quy trình đấu thầu.

2. Lựa chọn nhà đầu tư qua mạng thế nào?

Lựa chọn nhà đầu tư qua mạng được quy định tại Điều 50 Luật Đấu thầu 2023 cụ thể:

- Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh trong nước phải thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo lộ trình sau đây:

+ Từ ngày Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024, việc đấu thầu qua mạng hoặc không qua mạng thực hiện theo quy định của Chính phủ;

+ Từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, áp dụng đấu thầu qua mạng đối với tất cả các gói thầu, trừ trường hợp không đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định tại khoản 5 Điều 50 Luật Đấu thầu 2023.

- Các nội dung lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia bao gồm:

+ Đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

+ Lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;

+ Lập, nộp hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất;

+ Mở thầu;

+ Đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, mời thương thảo hợp đồng, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

+ Thỏa thuận liên danh, bảo lãnh dự thầu điện tử, bảo lãnh thực hiện hợp đồng điện tử;

+ Làm rõ các nội dung trong đấu thầu;

+ Gửi và nhận đơn kiến nghị;

+ Hợp đồng điện tử;

+ Thanh toán điện tử.

- Văn bản điện tử trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có giá trị theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, làm cơ sở đối chiếu, so sánh, xác thực thông tin phục vụ công tác đánh giá, thẩm định, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giải ngân.

- Chi phí trong đấu thầu qua mạng bao gồm:

+ Chi phí tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

+ Chi phí đăng tải thông tin về đấu thầu theo quy định tại điểm c khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 15 Luật Đấu thầu 2023, tham dự thầu, ký kết hợp đồng và các chi phí khác khi đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

- Chính phủ quy định việc kết nối, chia sẻ thông tin theo quy định tại khoản 6 Điều 51 Luật Đấu thầu 2023; kỹ thuật đấu thầu qua mạng phù hợp với tính năng và sự phát triển của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; quy trình, thủ tục, chi phí đấu thầu qua mạng; lộ trình lựa chọn nhà đầu tư qua mạng; những trường hợp không đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Như vậy, lựa chọn nhà đầu tư qua mạng được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo lộ trình cụ thể bao gồm tất cả các gói thầu (trừ trường hợp không đấu thầu), nội dung lựa chọn nhà đầu tư, các chi phí trong quá trình đấu thầu qua mạng...

3. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cần đảm bảo yêu cầu gì trong quá trình diễn ra đấu thầu?

Theo quy định tại Điều 51 Luật Đấu thầu 2023 thì Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cần đảm bảo các yêu cầu trong quá trình diễn ra đấu thầu như sau:

(1) Công khai, không hạn chế truy cập, tiếp cận đối với thông tin được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

(2) Nguồn thời gian của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được xác định theo quy định của pháp luật về nguồn thời gian chuẩn quốc gia.

(3) Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoạt động liên tục, thống nhất, ổn định, an toàn thông tin, có khả năng xác thực người dùng, bảo mật và toàn vẹn dữ liệu.

(4) Thực hiện ghi lại thông tin và truy xuất được lịch sử các giao dịch trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

(5) Bảo đảm nhà thầu, nhà đầu tư không thể gửi hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đến bên mời thầu sau thời điểm đóng thầu.

(6)Các thông tin về nhà thầu, nhà đầu tư được kết nối, chia sẻ từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thông tin quản lý thuế, Hệ thống thông tin quản lý ngân sách, kho bạc và các hệ thống khác. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được kết nối với các Cổng thông tin điện tử, Hệ thống công nghệ thông tin khác để trao đổi, chia sẻ dữ liệu, thông tin phục vụ đấu thầu qua mạng và quản lý nhà nước về đấu thầu.

Như vậy, việc đáp ứng các yêu cầu trên sẽ giúp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao bảo mật dữ liệu, an toàn thông tin cho nhà đầu tư và minh bạch cho hoạt động đấu thầu qua mạng.

Hứa Lê Huy
3345

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]