21/11/2023 10:56

Dấu hiệu nhận biết tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan

Dấu hiệu nhận biết tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan

Trong vụ án tại Vạn Thịnh Phát, các bị cáo bị bắt tạm giam, điều tra về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng tại Ngân hàng SCB. Tôi muốn hỏi cấu thành tội phạm của tội này thế nào? “Minh Vi-Cần Thơ”

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng

Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng được quy định tại Điều 206 Bộ luật hình sự 2015.

Theo đó, tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là hành vi của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cố ý thực hiện các vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động của mình gây thiệt hại về tài sản.

Dấu hiệu nhận biết tội phạm:

- Khách thể của tội phạm: Xâm phạm hoạt động đúng đắn và an toàn của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Chủ thể của tội phạm: Là người từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự. 

Đây là tội phạm có dấu hiệu chủ thể đặc biệt, người phạm tội chỉ có thể là người có có chức vụ, quyền hạn trong các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Mặt chủ quan của tội phạm: Thực hiện với lỗi cố ý.

- Mặt khách quan của tội phạm: Chủ thể thực hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện các hành vi sau:

+ Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng;

+ Cấp tín dụng không có đảm bảo hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật;

+ Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng;

+ Cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm khi thẩm định giá để cấp tín dụng đối với trường hợp có tài sản bảo đảm;

+ Vi phạm quy định của pháp luật  về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;

+ Cấp tín dụng vượt quá giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

+ Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng;

+ Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;

+ Kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép;

+ Tiến hành hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng nhà nước Việt NamLuật các tổ chức tín dụng.

Các hành vi nêu trên chỉ cấu thành tội phạm nếu gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

2. Khung hình phạt tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan

- Khung cơ bản: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 khi chủ thể thực hiện một trong các hành vi trên gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.

- Khung 2: Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm khi chủ thể phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

- Khung 3: Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm khi chủ thể phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.

- Khung 4:  Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm khi chủ thể phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3.000.000.000 đồng trở lên.

- Hình phạt bổ sung: có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

3. Một số bản án về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng

Bản án về tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng ĐA số 41/2022/HS-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh 

- Trích dẫn nội dung: Trong khoản thời gian từ năm 2007 đến năm 2013 bị cáo Trần Phương B với vai trò là Tổng giám đốc, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị - Chủ tịch Hội đồng tín dụng đã chỉ đạo những người dưới quyền và các đối tượng khác gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á số tiền là 8.827.549.141.076 đồng, trong đó hành vi vi phạm quy định về hoạt động Ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, cho 04 nhóm khách hàng (gồm Hiệp Phú Gia, TTC Đồng T; M & C; Tân Vạn H) gây thiệt hại cho Ngân hàng số tiền là: 8.751.915.741.076 đồng, hành vi Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt số tiền 75.633.400.000 đồng.

Với hành vi phạm tội như trên dẫn đến thực trạng là Ngân hàng ĐA tại thời điểm ngày 31/12/2015 lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn sở hữu âm 25.451 tỷ đồng, tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.

Hành vi của bị cáo Trần Phương B và các đồng phạm khác đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật hình sự năm 1999 (Sửa đổi năm 2009) và điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 355 Bộ luật hình sự năm 2015 (Sửa đổi năm 2017).”

Bản án 35/2019/HS-ST ngày 24/04/2019 về tội vi phạm quy định hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận 

- Trích dẫn nội dung:Như vậy, có đủ cơ sở kết luận đây là vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” do các bị cáo Trương A và Phạm Thị Thanh B thực hiện, A đã chỉ đạo cho bị cáo Phạm Thị Thanh B lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để lập khống hồ sơ vay vốn số 14/0985/HĐTD ngày 29.9.2014 mang tên Trần Thị Xuân F3 và tự ý nâng giá trị tài sản bảo lãnh thế chấp của B là thửa đất nông thôn có diện tích 84,16m2 tại xã Ttừ 48.392.000 đồng lên 437.623.000 đồng để làm hồ sơ vay số tiền 300.000.000 đồng nhằm sử dụng vào mục đích cá nhân, đến hết thời hạn hợp đồng các bị cáo A và B không có khả năng trả gốc và lãi suất theo hợp đồng. Tính đến ngày 20.01.2019 các bị cáo Trương A và Phạm Thị Thanh B đã hoàn trả cho Quỹ tín dụng nhân dân S số tiền gốc vay là 156.500.000 đồng, số tiền gốc còn lại là 143.500.000 đồng được quy vào nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) quy định tại khoản 6 Điều 2 quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng ban hành theo Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc ngân hàng nhà nước.”

Trân trọng!

Bùi Thị Như Ý
4226

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]