Luật Đường bộ 2024 đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2025. Theo đó, quy định về việc đặt tên, số hiệu cũng như việc đổi tên, số hiệu đường bộ cũng đã được quy định lại.
Cụ thể, tại Điều 11 Luật Đường bộ 2024 quy định về việc đặt tên, số hiệu đường bộ được quy định như sau:
- Tên đường bộ được đặt theo:
+ Tên danh nhân, người có công với đất nước;
+ Di tích, sự kiện lịch sử, văn hóa;
+ Tên địa danh hoặc tên theo tập quán.
- Số hiệu đường bộ được đặt theo số tự nhiên hoặc số tự nhiên kèm theo chữ cái nếu cần thiết.
Trường hợp đường đô thị trùng với đường khác thì sử dụng cả tên đường đô thị và tên, số hiệu của đường khác;
- Tên, số hiệu đường bộ tham gia vào mạng lưới đường bộ quốc tế thực hiện theo điều ước quốc tế giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan. Đường bộ kết nối vào mạng lưới đường bộ quốc tế thì sử dụng cả tên, số hiệu đường bộ trong nước và tên, số hiệu đường bộ quốc tế.
Theo đó, trường hợp có tuyến, đoạn tuyến đường bộ đi trùng nhau thì sử dụng tên, số hiệu đường bộ thuộc cấp quản lý cao hơn, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Luật Đường bộ 2024.
Đồng thời, không bắt buộc đặt tên, số hiệu đường bộ đối với đường xã, đường thôn, đường nội bộ, đường chuyên dùng; không bắt buộc đổi tên, số hiệu đường bộ trong trường hợp đường đó đi qua địa bàn được cấp có thẩm quyền quyết định giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính của địa phương.
Căn cứ vào Điều 8, Điều 9 Luật Đường bộ 2024, phân loại đường bộ được chia ra theo cấp quản lý và theo chức năng phục vụ, cụ thể như sau:
* Phân loại đường bộ theo cấp quản lý
(1) Đường bộ theo cấp quản lý bao gồm: quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường thôn, đường đô thị, đường chuyên dùng và được xác định như sau:
- Quốc lộ: đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền các trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng, khu vực;
- Đường tỉnh: đường nằm trong địa bàn một tỉnh nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
- Đường huyện: đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện;
- Đường xã: đường nối trung tâm hành chính của xã với thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) và điểm dân cư nông thôn hoặc đường nối với xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã;
- Đường thôn: đường trong khu vực thôn, đường trục nối thôn với khu vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn thôn;
- Đường đô thị: đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị, bao gồm: đường cao tốc đô thị, đường phố, đường ngõ, ngách, kiệt, hẻm trong đô thị;
- Đường chuyên dùng: đường chuyên phục vụ giao thông cho một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân và đường nội bộ.
(2) Đường địa phương bao gồm: đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn.
(3) Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm quản lý quốc lộ, trừ quốc lộ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 8 Luật Đường bộ 2024 và đường gom, đường bên quy định tại điểm c khoản 4 Điều 8 Luật Đường bộ 2024.
(4) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý các loại đường sau đây:
- Quản lý đường tỉnh, quốc lộ đi qua đô thị loại đặc biệt; quốc lộ khi được phân cấp; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng tuyến tránh thay thế phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ không còn trong quy hoạch mạng lưới đường bộ, trừ trường hợp quốc lộ có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm quốc phòng, an ninh; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ được Thủ tướng Chính phủ giao trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, khả năng bố trí nguồn lực của địa phương; tuyến, đoạn tuyến quốc lộ đã được điều chuyển tài sản về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
- Quy định việc quản lý đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn;
- Quản lý đường gom, đường bên tách khỏi quốc lộ.
(5) Người quản lý, sử dụng đường bộ đối với đường chuyên dùng có trách nhiệm quản lý đường chuyên dùng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
* Phân loại đường bộ theo chức năng phục vụ
(1) Đường chính: đường phục vụ giao thông chủ yếu trong khu vực, kết nối giao thông các khu vực, vùng.
(2) Đường nhánh: đường nối vào đường chính, có chức năng kết nối giao thông các khu vực hai bên đường chính; kết nối giao thông từ đường gom vào đường chính thông qua nút giao.
(3) Đường gom: đường để gom hệ thống đường giao thông nội bộ của các khu đô thị, công nghiệp, kinh tế, dân cư, thương mại - dịch vụ và các đường khác vào đường chính hoặc vào đường nhánh trước khi đấu nối vào đường chính. Đường gom có thể là đường bên theo quy định tại mục (4).
(4) Đường bên: đường được xây dựng bên cạnh các đoạn đường chính để ngăn cách giao thông khu vực hai bên đường với đường chính. Đường bên được tách khỏi đường chính hoặc ngăn cách với đường chính bằng dải phân cách, tường bảo vệ, rào chắn.
(5) Đường dành cho giao thông công cộng: đường phục vụ cho tất cả mọi người, phương tiện giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(6) Đường nội bộ: đường trong phạm vi khu chung cư, đô thị, công nghiệp, kinh tế, thương mại - dịch vụ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác và chỉ phục vụ các đối tượng được phép vào, ra bên trong phạm vi các khu vực này.
(7) Đường dành riêng cho người đi bộ, người đi xe đạp và các đường khác.