19/02/2020 15:53

Đập phá mồ mả bị truy cứu TNHS như thế nào?

Đập phá mồ mả bị truy cứu TNHS như thế nào?

Nhà nước luôn bảo vệ người dân, bất kể người đó còn sống hay đã chết. Vì vậy, đã có những quy định để bảo vệ mồ mả của cá nhân đã chết, cũng như có những biện pháp chế tài đối với những người có hành vi cố ý xâm phạm mồ mả. Vậy hành vi đập phá mồ mả bị truy cứu TNHS ra sao?

Cụ thể tại Bản án 05/2018/HSST ngày 05/03/2018 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Quảng Nam sẽ minh họa cho nội dung trên. Cụ thể như sau:

“N xin tiền mua đất làm nhà để ở và thờ cúng tổ tiên, tuy nhiên người nhà không đồng ý. Vào trưa ngày 09/6/2017, N lấy búa tạ và N đi lên phòng thờ lấy 05 di ảnh trên bàn thờ bỏ vào ba lô. Sau đó, N tìm đến ngôi mộ của cụ ông Phan Tấn lấy cái búa tạ đem theo đập nhiều cái vào nhiều vị trí trên mộ. Khi N đi đến cánh đồng khác, N lấy 05 di ảnh ra xếp dưới đất và lấy điện thoại di động chụp ảnh. Vào trưa ngày 20/8/2017, N tiếp tục lấy cái búa tạ tìm đến ngôi mộ của cụ bà Trần Thị S. Tại đây N dùng búa đập nhiều cái vào nhiều vị trí trên mộ của cụ bà S. Quá trình điều tra, N đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình.”

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 246 Bộ luật hình sự năm 1999 (Đã được sửa đổi bổ sung năm 2009); Các điểm b, h, s khoản 1, 2 Điều 51; Điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam quyết định: bị cáo Phan Tấn Trần N phạm tội "Xâm phạm mồ mả".

Xử phạt bị cáo: Phan Tấn Trần N 06 (Sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 12 (Mười hai) tháng, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm ngày 05/3/2018 và buộc bị cáo Phan Tấn Trần N phải tiếp tục bồi thường cho ông Phan Tấn A số tiền 2.500.000 (Hai triệu năm trăm ngàn) đồng và trả lại 04 di ảnh (có 05 cái ảnh) cho ông Phan Tấn A.

 Điều 246. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

" 1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến  hai năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.”

Việc Tòa án áp dụng Điều 246 Bộ luật hình sự 1999 để giải quyết thay vì Điều 319 Bộ luật hình sự 2015 vì xét thấy hành vi phạm tội bị cáo thực hiện trước ngày Bộ luật hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực pháp luật. Tại thời điểm xét xử bị cáo Bộ luật hình sự năm 2015 (Đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã có hiệu lực pháp luật. Tại thời điểm phạm tội, hành vi phạm tội của bị cáo vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 246 Bộ luật hình sự năm 1999 và quy định mức hình phạt nhẹ hơn so với Điều 319 Bộ luật hình sự năm 2015. Theo hướng có lợi cho người phạm tội, nên Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 246 Bộ luật hình sự năm 1999 xử phạt bị cáo. Quyết định của Tòa án căn cứ vào điểm b khỏan 1 Điều 2 của Nghị quyết số 41/2017/QH14:

Điều 2. Việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015

" 1.Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng như sau:

b) Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích

… ”

Đó là trách nhiệm hình sự, còn về trách nhiệm dân sự, với hành vi của N, N phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể, mồ mả đều thuộc nhóm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Cụ thể theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 607 Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả

" 1.Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.

2.Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

3. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến vị trí mai táng xác, hài cốt, tro hài cốt của người chết theo phong tục, nghi lễ, tôn giáo của cộng đồng dân cư. Xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến nơi an nghỉ cuối cùng của cá nhân người chết. Ngoài hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ thì các hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cũng được coi là hành vi phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Việc xâm phạm mồ mả trong thực tế đôi khi không vì mục đích xâm phạm, chiếm đoạt đối với mồ mả đó, mà xuất phát từ cách hiểu sai lệch của một số người, cụ thể là N, vì vậy dẫn đến việc vi phạm pháp luật về xâm phạm mồ mả.

Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là một trong những tội phạm có ảnh hưởng lớn đến xã hội đặc biệt có liên quan đến yếu tố tín ngưỡng tâm linh. Do vậy, trên thực tế các hành vi phạm tội bị xử lý không nhiều, khó phát hiện. Vậy, với tính chất nghiêm trọng của nó thì cần thiết có những biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời để tránh ảnh hưởng đến trật tự, an ninh xã hội.

Trường Sa
14237

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]