18/09/2024 10:37

Danh sách 28 hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước theo Quyết định 68

Danh sách 28 hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước theo Quyết định 68

Bài viết này sẽ cung cấp nội dung về danh sách 28 hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước hiện nay.

Hội là gì? Phạm vi hoạt động của hội được quy định thế nào?

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về hội như sau:

“Hội được quy định trong Nghị định 45/2010/NĐ-CP được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định 45/2010/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.”

Đồng thời, hội có các tên gọi khác nhau: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật (gọi chung là hội).

Bên cạnh đó, phạm vi hoạt động của hội (theo lãnh thổ) cũng được quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 45/2010/NĐ-CP, gồm:

- Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh;

- Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh);

- Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện);

- Hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã).

Như vậy, hội  tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo quy định pháp.

Danh sách 28 hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước theo Quyết định 68

Theo Phụ lục Ban hành kèm theo Quyết định 68/2010/QĐ-TTg về danh sách hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước bao gồm:

- Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam

- Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

- Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam

- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

- Hội Nhà văn Việt Nam

- Hội Nhà báo Việt Nam

- Hội Luật gia Việt Nam

- Liên minh hợp tác xã Việt Nam

- Hội Chữ thập đỏ Việt Nam

- Hội Sinh viên Việt Nam

- Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam

- Hội Nhạc sĩ Việt Nam

- Hội Điện ảnh Việt Nam

- Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam

- Hội Kiến trúc sư Việt Nam

- Hội Mỹ thuật Việt Nam

- Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

- Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

- Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam

- Hội Người cao tuổi Việt Nam

- Hội Người mù Việt Nam

- Hội Đông y Việt Nam

- Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

- Tổng hội Y học Việt Nam

- Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam

- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam

- Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam

- Hội Khuyến học Việt Nam

Xác định hội có tính chất đặc thù dựa trên những cơ sở nào?

Theo Điều 1 Quyết định 68/2010/QĐ-TTg về cơ sở xác định hội có tính chất đặc thù như sau:

(1) Đối với hội là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp:

- Được cơ quan có thẩm quyền của Đảng công nhận là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp;

- Đã được Nhà nước giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động trước ngày Nghị định 45/2010/NĐ-CP có hiệu lực.

(2) Đối với hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế:

- Có vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

- Có khó khăn trong việc huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho hoạt động của hội;

- Đã được Nhà nước giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động trước ngày Nghị định 45/2010/NĐ-CP có hiệu lực.

(3) Đối với hội là tổ chức xã hội:

- Hoạt động vì mục tiêu xã hội, nhân đạo;

- Là hội của những đối tượng chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi cần được xã hội, Nhà nước quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện hoạt động;

- Đã được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động trước ngày Nghị định 45/2010/NĐ-CP có hiệu lực.

Nguyễn Ngọc Trầm
811

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]