24/01/2025 20:49

Danh sách 15 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán 2025 tại TPHCM

Danh sách 15 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán 2025 tại TPHCM

Điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán 2025 tại TPHCM ở đâu? Được tổ chức bắn pháo hoa nổ vào những sự kiện, lễ, tết nào? Những hành vi nào bị nghiêm cấm khi quản lý, sử dụng pháo hoa?

Danh sách 15 điểm bắn pháo hoa Tết Nguyên đán 2025 tại TPHCM

Mới đây, UBND TPHCM đã có công văn chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương có liên quan về công tác tổ chức bắn pháo hoa đón giao thừa Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.

Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có 15 điểm bắn pháo hoa chào mừng Tết Âm lịch 2025 (Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025), gồm 02 điểm bắn pháo hoa tầm cao và 13 điểm bắn pháo hoa nổ tầm thấp, cụ thể:

2 điểm bắn pháo hoa tầm cao:

- Khu vực đường hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức),

- Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi).

13 điểm bắn pháo hoa tầm thấp:

- Khu đô thị Thảo Điền (TP Thủ Đức)

- Khu vực sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) cách cầu Rạch Chiếc 500m (bắn trên sà lan)

- Khu vực cầu Rạch Đỉa (huyện Nhà Bè - bắn trên sà lan)

- Công viên văn hóa Đầm Sen (Quận 11)

- Khu công nghiệp Tây Bắc (Củ Chi)

- Đền tưởng niệm liệt sĩ Rừng Sác (huyện Cần Giờ)

- Đền tưởng niệm Bến Nọc (TP. Thủ Đức)

- Quảng trường Trung tâm hành chính Quận 7

- Công viên khu dân cư 38ha (phường Tân Thới Nhất, Quận 12)

- Quảng trường Hòa Bình (quận Gò Vấp)

- Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (huyện Hóc Môn)

- Khu vực chợ Bình Điền (Quận 8)

- Khu tưởng niệm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 (Bình Chánh)

Thời gian bắn pháo hoa diễn ra từ 0 giờ 0 phút đến 0 giờ 15 phút ngày 29/1 (thời khắc chuyển giao năm Giáp Thìn 2024 và năm Ất Tỵ 2025).

Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo.

Được tổ chức bắn pháo hoa nổ vào những sự kiện, lễ, tết nào?

Tại Điều 11 Nghị định 137/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 3 Nghị định 56/2023/NĐ-CP về các trường hợp tổ chức bắn pháo hoa nổ cụ thể, như sau:

(1) Tết Nguyên đán

- Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

- Thời gian bắn vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán.

(2) Giỗ Tổ Hùng Vương

- Tỉnh Phú Thọ được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại khu vực Đền Hùng;

- Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 09 tháng 3 âm lịch.

(3) Ngày Quốc khánh

- Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

- Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 02 tháng 9.

(4) Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ

- Tỉnh Điện Biên được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút, địa điểm bắn tại Thành phố Điện Biên Phủ;

- Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 07 tháng 5.

(5) Ngày Chiến thắng (ngày 30 tháng 4 dương lịch)

- Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

- Thời gian bắn vào 21 giờ ngày 30 tháng 4.

(6) Kỷ niệm ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Các thành phố trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được bắn pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút; các tỉnh còn lại được bắn pháo hoa nổ tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút;

- Thời gian bắn vào 21 giờ ngày giải phóng, ngày thành lập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

(7) Sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế.

(8) Trường hợp khác do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quyết định sau khi có văn bản trao đổi thống nhất với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Những hành vi nào bị nghiêm cấm khi quản lý, sử dụng pháo hoa?

Theo Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì những hành vi bị nghiêm cấm khi quản lý, sử dụng pháo hoa bao gồm 09 hành vi sau đây:

- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này.

- Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.

- Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

- Lợi dụng, lạm dụng việc sử dụng pháo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; vận chuyển, bảo quản, tiêu hủy pháo không bảo đảm an toàn hoặc làm ảnh hưởng đến môi trường.

- Chiếm đoạt, mua, bán, trao đổi, tặng, cho, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, làm giả, sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy phép về pháo.

- Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định.

- Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.

- Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý, bảo quản pháo, thuốc pháo; không báo cáo hoặc báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo, thuốc pháo.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
1

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]