Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Tại Điều 1 Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam 2011 có quy định “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng.”
Đảng viên phải đáp ứng điều kiện:
+ Là công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên;
+ Thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng.
Đồng thời, tại Điều 5 Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam 2011 có quy định:
“1. Người được kết nạp vào Đảng phải trải qua thời kỳ dự bị mười hai tháng, tính từ ngày chi bộ tổ chức lễ kết nạp. Trong thời kỳ dự bị, chi bộ tiếp tục giáo dục, rèn luyện và phân công đảng viên chính thức giúp đảng viên đó tiến bộ.
Khi hết thời kỳ dự bị, chi bộ xét công nhận đảng viên chính thức từng người một và biểu quyết như khi xét kết nạp; nếu không đủ tư cách đảng viên thì đề nghị lên cấp uỷ có thẩm quyền quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên dự bị.”
Như vậy, Đảng viên dự bị là người được kết nạp vào Đảng nhưng chưa được đứng trong hàng ngũ Đảng viên chính thức mà sẽ có 12 tháng rèn luyện, thử thách để tiến bộ. Khi hết thời kỳ dự bị 12 tháng, Đảng viên dự bị sẽ được xem xét, biểu quyết để được kết nạp Đảng nếu đủ tư cách Đảng viên.
Nếu đảng viên dự bị không đủ tư cách đảng viên thì đề nghị lên cấp uỷ có thẩm quyền quyết định xóa tên trong danh sách đảng viên dự bị.
Theo quy định tại Điều 3 Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam 2011 thì Đảng viên có những quyền sau đây:
- Được thông tin và thảo luận các vấn đề về Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; biểu quyết công việc của Đảng.
- Ứng cử, đề cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.
- Phê bình, chất vấn về hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức; báo cáo, kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm và yêu cầu được trả lời.
- Trình bày ý kiến khi tổ chức đảng nhận xét, quyết định công tác hoặc thi hành kỷ luật đối với mình.
Đảng viên dự bị có các quyền nêu trên, trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đảng.
Như vậy, so với Đảng viên chính thức Đảng viên dự bị không có quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử cơ quan lãnh đạo của Đảng.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Điều lệ Đảng thì người được kết nạp vào Đảng phải trải qua thời kỳ dự bị 12 tháng, khi hết thời hạn 12 tháng thì sẽ xảy 02 trường hợp sau:
- Được xét công nhận Đảng viên chính thức nếu đủ tư cách Đảng viên;
- Bị xóa tên trong danh sách Đảng viên dự bị nếu không đủ tư cách Đảng viên.
Như vậy, nếu sau thời hạn 12 tháng Đảng viên dự bị nếu đủ tư cách Đảng viên sẽ được xem xét, biểu quyết để được kết nạp Đảng nếu đủ tư cách Đảng viên.
Ngoài ra, tại Khoản 10 Điều 9 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021 về nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng có quy định:“Đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, khi hết thời hạn dự bị, chi bộ vẫn tiến hành xét công nhận đảng viên chính thức. Nếu vi phạm đến mức không còn đủ tư cách đảng viên thì xoá tên trong danh sách đảng viên.”
Từ các quy định trên có thể thấy Đảng viên dự bị bị kỷ luật thì khi hết thời gian dự bị vẫn được xét công nhận Đảng viên chính thức, trừ trường hợp bị xóa tên khỏi danh sách Đảng viên dự bị thì không được xét trở thành Đảng viên chính thức.