02/05/2024 09:22

Đăng thông tin sai sự thật “Biến Đà Lạt” bị xử phạt như thế nào?

Đăng thông tin sai sự thật “Biến Đà Lạt” bị xử phạt như thế nào?

Vài ngày qua, có thông tin cho rằng có phản động tại đường Trúc Lâm Yên Tử và biến ở Đà Lạt. Cho tôi hỏi sự việc này là sai sự thật đúng không? Nếu vậy thì người đưa tin sai sự thật bị xử phạt như thế nào? (Trúc My - Lâm Đồng)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Đăng thông tin sai sự thật “Đà Lạt có biến lớn, bạo động”

Theo báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đưa tin, tối 30/4, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đã triệu tập, xử lý những người đã đăng tải thông tin sai sự thật nội dung “Đà Lạt có biến lớn, bạo động” gây hoang mang dư luận.

Cụ thể, chiều ngày 30-4, tài khoản “Th.M” đăng tải công khai trên trang Facebook cá nhân bài viết có nội dung “có biến tại BigC, 5 người cầm súng bị bắt, tất cả các trung tâm thương mại, dịch vụ, chợ, kinh doanh giải trí phải đóng cửa ngay lập tức!”.

Sáng ngày ⅕, Công an TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã mời thêm ba người đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật “Biến Đà Lạt” gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng tới tình hình an ninh, trật tự địa phương.

Theo đó, thông tin nêu trên hoàn toàn sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, gây hoang mang dư luận tại địa phương.

Khi làm việc với cơ quan công an, chủ tài khoản “Th.M” cho biết do bản thân đọc được các thông tin trên trong các hội, nhóm trên không gian mạng, tuy nhiên không kiểm chứng tính chính xác của thông tin trước khi đăng tải lên trang Facebook cá nhân.

2. Người đăng thông tin sai sự thật bị xử phạt như thế nào?

Đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận thì có thể bị phạt theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP như sau:

Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Bên cạnh đó,  khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định rằng, mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định 15/2020/NĐ-CP

Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Như vậy, theo quy định trên thì hành vi đăng tải thông tin bịa đặt lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (đối với cá nhân) và từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (đối với tổ chức).

Đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận ngoài bị phạt tiền thì còn buộc phải gỡ bỏ thông tin bịa đặt đó buộc gỡ bỏ thông tin bịa đặt vi phạm pháp luật đó theo quy định tại khoản 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP.

3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận là bao nhiêu năm?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi điểm a khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người đăng tải thông tin sai sự thật lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận như sau:

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:

Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.

Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

...

Như vậy, theo quy định trên thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với người đăng tải thông tin bịa đặt lên mạng xã hội gây hoang mang dư luận là 01 năm.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
83

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn