Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;
- Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung;
- Bán hàng ăn uống, giải khát quá giờ quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Như vậy, khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau là khoảng thời gian nghỉ ngơi của người dân. Hành vi hát karaoke gây tiếng ồn làm ảnh hưởng tới người khác trong khoảng thời gian này có thể sẽ bị xử phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng hoặc nhẹ hơn thì phạt cảnh cáo.
Ngoài ra, theo Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ-CP thì hành vi hát karaoke lúc nửa đêm có thể bị phạt hành chính đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật dưới 2 dBA. Mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA và phạt đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình thì:
- Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
- Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Như vậy, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình nên việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được sự đồng ý của người đó. Việc chị quay clip ăn nhậu, hát karaoke của hàng xóm và đăng lên mạng xã hội mà không xin phép người đó là vi phạm về quyền về bí mật cá nhân.
Căn cứ theo Điểm e Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về phạt vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin thì:
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
...
e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;
...
Như vậy, hành vi sử dụng thông tin cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó thì có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Có thể thấy việc đăng clip hàng xóm ăn nhậu, hát karaoke lúc nửa đêm lên mạng xã hội để phàn nàn mặc dù không có mục đích bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hàng xóm thì vẫn bị phạt hành chính vì sử dụng thông tin cá nhân khác mà không được sự đồng ý.
Nếu có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của hàng xóm thì có thể bị xử lý hình sự tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Hình phạt cho tội này là cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Trân trọng!