Cụ thể, tại Bản án 15/2018/DS-ST ngày 20/04/2018 của Tòa án nhân dân huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước xét xử sơ thẩm công khai vụ án về tranh chấp chuyển giao nghĩa vụ:
“Chị Sỹ Hồng N, anh Nguyễn Trung K trước đây có vay của bà Ngô Thị T số tiền 85.000.000 đồng. Chị N và anh K đã trả tiền cho bà T số tiền là 62.000.000 đồng, còn nợ lại 23.000.000 đồng. Bà Trần Thị Thanh T là mẹ chị N có đứng ra nhận nợ thay cho chị N thì được bà T đồng ý. Sau khi nhận nợ với bà Ngô Thị T thì bà Trần Thị Thanh T đã trả cho bà T số tiền 3.500.000đ và còn thiếu 19.500.000đ.
Nay, bà Ngô Thị T khởi kiện yêu cầu bà Trần Thị Thanh T hoàn trả cho bà T số tiền là 19.500.000đ. Bà Trần Thị Thanh T không đồng ý với lý do số tiền trên bà T đứng ra nhận nợ giùm cho chị N, anh K và viết giấy nhận nợ với bà T, bà yêu cầu chị N, anh K phải trả số tiền này.
Về phía chị N, chị tự nguyện đứng ra trả nốt số tiền còn thiếu là 19.500.000đ. Do khó khăn nên xin trả 500.000đ/tháng đến khi trả hết nợ.”
Tòa án nhân dân huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đưa ra nhận định sau: Đối với yêu cầu khởi kiện của bà Ngô Thị T về việc yêu cầu bà Trần Thị Thanh T trả cho bà Thi số tiền 19.500.000 đồng. Bà Trần Thị Thanh T tự nguyện đứng ra thực hiện nghĩa vụ thay cho chị Sỹ Hồng N và anh Nguyễn Trung K và được sự đồng ý của bà Ngô Thị T. Áp dụng quy định tại Điều 370 Bộ luật dân sự 2015, bà Trần Thị Thanh T phải có nghĩa vụ trả nợ cho bà Ngô Thị T.
Điều 370 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 370. Chuyển giao nghĩa vụ
1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.
2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.”
Có thể thấy rằng, mặc dù chị N đã nhận lại nghĩa vụ trả cho bà Ngô Thị T số tiền 19.500.000đ, nhưng bà T không đồng ý nên bà Trần Thị Thanh T vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả tiền mà bà đã nhận chuyển giao trước đó. Chị N, anh K không còn nghĩa vụ phải trả nợ cho bà T. Việc chuyển giao nghĩa vụ sẽ làm chấm dứt hoàn toàn nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ chuyển giao với bên có quyền. Chị N, anh K cũng không phải chịu trách nhiệm về hành vi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của bà Trần Thị Thanh T trước bên có quyền là bà Ngô Thị T.
Như vậy, bên có nghĩa vụ ban đầu sẽ không phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện nghĩa vụ của bên thế nghĩa vụ (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác: bên có quyền đồng ý cho bên có nghĩa vụ ban đầu trả nợ). Bên có nghĩa vụ ban đầu và bên có quyền sẽ chấm dứt toàn bộ mối quan hệ nghĩa vụ.