31/07/2023 15:27

Cựu chiến binh được cấp thẻ BHYT trong trường hợp nào?

Cựu chiến binh được cấp thẻ BHYT trong trường hợp nào?

Tôi là quân nhân chuyên nghiệp xin phục viên từ tháng 10/2020. Hiện tôi đang sinh hoạt tại Hội Cựu chiến binh, vậy tôi có được hỗ trợ cấp thẻ BHYT không? Cảnh Lê – Phú Thọ

Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Cựu chiến binh được cấp thẻ BHYT trong trường hợp nào?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, cựu chiến binh thuộc đối tượng tham gia BHYT theo nhóm do ngân sách Nhà nước đóng, gồm:

- Cựu chiến binh tham gia kháng chiến từ ngày 30/4/1975 trở về trước theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định 150/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh cựu chiến binh (sau đây gọi tắt là Nghị định 150/2006/NĐ-CP), được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Nghị định  157/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 150/2006/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 157/2016/ NĐ-CP).

- Cựu chiến binh tham gia kháng chiến sau ngày 30/4/1975 quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định  150/2006/NĐ-CP và tại khoản 1 Điều 1 Nghị định  157/2016/NĐ-CP, gồm:

+ Quân nhân, công nhân viên quốc phòng đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (sau đây gọi tắt là Quyết định 62/2011/QĐ-TTg);

+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 chuyển ngành về làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (không được hưởng trợ cấp theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg);

+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ tại ngũ trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã phục viên, nghỉ hưu hoặc chuyển ngành về làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;

+ Dân quân, tự vệ đã tham gia chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu sau ngày 30/4/1975 đã được hưởng trợ cấp theo Quyết định 62/2011/QĐ-TTg.

Như vậy, để xác định ông có thuộc nhóm đối tượng cựu chiến binh do ngân sách nhà nước đóng BHYT thì cần căn cứ các trường hợp cụ thể như quy định trên. Ngoài ra, liên hệ với UBND cấp xã nơi ông đang cư trú để được hướng dẫn cụ thể.

2. Cơ quan nào có trách nhiêm lập danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 11 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, lập danh sách cấp thẻ bảo hiểm y tế của một số đối tượng sau:

- Người sử dụng lao động lập danh sách tham gia bảo hiểm y tế của nhóm đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định này.

- Cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm lập danh sách tham gia bảo hiểm y tế của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 15 Điều 3, khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

- Các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm lập danh sách tham gia bảo hiểm y tế của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý quy định tại khoản 1 Điều 1, khoản 13 Điều 3 và Điều 6 Nghị định này và theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

- Đối với người đã hiến bộ phận cơ thể theo quy định của pháp luật, cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ giấy ra viện do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi người hiến bộ phận cơ thể cấp cho đối tượng này để cấp thẻ bảo hiểm y tế.

- Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm lập danh sách đối tượng quy định tại Điều 2; các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 16 và 17 Điều 3; khoản 1, 2 và 4 Điều 4 và Điều 5 Nghị định này.

- Danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế được lập theo Mẫu số 2 và Mẫu số 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Như vậy, ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm lập danh sách cựu chiến binh thuộc đối tượng tham gia BHYT theo nhóm do ngân sách nhà nước đóng.

Nguyễn Ngọc Trầm
1351

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]