Rằm tháng Giêng (hay Tết Nguyên Tiêu hoặc Tết Thượng Nguyên), diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm, là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới, mang ý nghĩa đặc biệt trong văn hóa và tín ngưỡng của người Việt Nam cũng như nhiều quốc gia Á Đông khác. Đây là dịp để các gia đình thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên, cầu mong một năm mới an lành, may mắn và thịnh vượng.
Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, Rằm tháng Giêng còn là dịp diễn ra nhiều lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa và nghệ thuật đặc sắc, thu hút sự tham gia của người dân và du khách.
Rằm tháng Giêng 2025 sẽ rơi vào thứ Tư ngày 12/02/2025 dương lịch, thích hợp nhất với nghi lễ cúng Rằm. Theo đó, tham khảo khung giờ đẹp cúng Rằm tháng Giêng 2025 trong ngày này như sau:
- Cúng vào giờ Quý Mão (từ 5h-7h);
- Cúng vào giờ Bính Ngọ (từ 11h-13h);
- Cúng vào giờ Mậu Thân (từ 15h-17h);
- Cúng vào giờ Kỷ Dậu (từ 17h-19h).
Nếu không thể cúng Rằm tháng Giêng 2025 vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch thì cũng có thể cúng vào ngày 14 tháng Giêng (thứ Ba ngày 11/02/2025 dương lịch) với khung giờ đẹp như sau:
- Nhâm Thìn (7h-9h);
- Giáp Ngọ (11h-13h);
- Ất Mùi (13h-15h);
- Mậu Tuất (19h-21h).
Khi thực hiện nghi thức cúng Rằm tháng Giêng 2025 thì nên chuẩn bị như sau:
Lau dọn, dọn dẹp bàn thờ
Vào ngày Rằm tháng Giêng hằng năm, các gia đình thường lau dọn bàn thờ. Lưu ý khi dọn dẹp bàn thờ không xê dịch bát hương, trước khi lau dọn nên thắp 1 nén hương khấn xin Thần linh Thổ địa, tổ tiên về việc sẽ lau dọn ban thờ để chuẩn bị lễ cúng.
Trang phục khi cúng Rằm tháng Giêng
Khi cúng Rằm tháng Giêng 2025 cần ăn mặc chỉnh tề, lịch sự khi thắp hương. Không nên mặc quần áo hở hang, rách khi thắp hương.
Chọn nhang hương
Khi chọn nhang hương cúng Rằm tháng Giêng 2025 thì nên chọn loại hương có mùi thơm nhẹ nhàng và loại hương đảm bảo an toàn chất lượng hương không bị ẩm dễ tắt hương khi đang thắp.
Chuẩn bị mâm cúng Rằm tháng Giêng
Ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình thường sửa soạn mâm cỗ cúng gia tiên. Tham khảo mâm cúng Rằm tháng Giêng 2025 như sau:
- Mâm cúng gia tiên gồm:
+ Hương hoa: Nhang, đèn, hoa tươi.
+ Trái cây ngũ quả: Chọn 5 loại quả tươi ngon, có màu sắc đẹp.
+ Xôi chè: Xôi gấc, xôi đậu xanh, chè kho, chè đậu.
+ Bánh: Bánh chưng, bánh giầy, bánh kẹo.
+ Mâm cỗ mặn (tùy theo phong tục từng gia đình):
+ Gà luộc hoặc thịt heo.
+ Giò chả.
+ Canh măng, canh bóng, hoặc canh miến.
+ Cơm trắng.
+ Rau củ xào.
+ Rượu, trà, nước: Để dâng lên tổ tiên.
+ Vàng mã: nếu gia đình có tục đốt vàng mã. Lưu ý không nên đốt quá nhiều vàng mã.
- Mâm cúng Phật (với gia đình theo đạo Phật), gồm có:
+ Hoa tươi: Hoa cúc, hoa huệ, hoa lay ơn (màu vàng hoặc trắng).
+ Trái cây ngũ quả: Chuối, bưởi, táo, lê, nho (tùy vùng miền có thể chọn loại quả khác).
+ Xôi chè: Xôi gấc, xôi đậu xanh hoặc chè trôi nước.
+ Bánh: Bánh chưng, bánh giầy, hoặc các loại bánh kẹo khác.
+ Nước trắng hoặc trà: Để dâng lên bàn thờ.
- Mâm cúng Thổ Công, Thổ Địa:
Giống với mâm cúng gia tiên nhưng có thể thêm muối gạo, thuốc lá.
Mâm cúng Rằm tháng Giêng 2025 có thể đơn giản hoặc phong phú tùy theo điều kiện về kinh tế, nhu cầu của gia đình.
Các thông tin nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo
Căn cứ Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP quy định về các ngày lễ lớn như sau:
Các ngày lễ lớn
Các ngày lễ lớn trong nước bao gồm:
1. Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch).
2. Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930).
3. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch).
4. Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
5. Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954).
6. Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890).
7. Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).
Như vậy, theo quy định nêu trên thì Rằm tháng Giêng không được xem như là một ngày lễ lớn trong năm 2025.