01/11/2024 10:07

Cung cấp, hướng dẫn sử dụng bao cao su cho người có quan hệ tình dục đồng giới, người bán dâm thông qua hình thức nào?

Cung cấp, hướng dẫn sử dụng bao cao su cho người có quan hệ tình dục đồng giới, người bán dâm thông qua hình thức nào?

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung về các hình thức cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su cho người có quan hệ tình dục đồng giới, người bán dâm, người nhiễm HIV… theo Nghị định 141/2024/NĐ-CP do Chính phủ ban hành.

Ngày 28/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2024.

Cung cấp, hướng dẫn sử dụng bao cao su cho người có quan hệ tình dục đồng giới, người bán dâm thông qua những hình thức nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 141/2024/NĐ-CP về cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su cho các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện theo một trong các hình thức sau:

- Cung cấp miễn phí bao cao su thông qua các chương trình, dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. Bao cao su cung cấp miễn phí phải được in rõ trên bao bì hoặc nhãn phụ dòng chữ “Cung cấp miễn phí, không được bán”;

- Bán thương mại bao cao su theo quy định của pháp luật về quản lý thiết bị y tế.

Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006 sửa đổi 2020 bao gồm: 

Đối tượng tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS

2. Ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho các đối tượng sau đây:

a) Người nhiễm HIV;

b) Người sử dụng ma túy;

c) Người bán dâm;

d) Người có quan hệ tình dục đồng giới;

đ) Người chuyển đổi giới tính;

e) Vợ, chồng và thành viên khác của gia đình cùng sống chung với người nhiễm HIV; vợ, chồng của đối tượng quy định tại các điểm, b, c, d và đ khoản này;

g) Người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV;

h) Người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục;

i) Người di biến động;

k) Phụ nữ mang thai;

l) Phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng, học viên cơ sở cai nghiện ma túy;

m) Người dân tộc thiểu số; người sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

n) Người từ đủ 13 tuổi đến dưới 30 tuổi.

Đồng thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị phụ trách hoạt động cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 141/2024/NĐ-CP có trách nhiệm:

- Phát triển mạng lưới các điểm cung cấp bao cao su miễn phí, đặt máy bán bao cao su tự động, bố trí điểm bán lẻ bao cao su tại địa điểm vui chơi, giải trí, bến tàu, bến xe, nhà ga, khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà hàng và cơ sở dịch vụ lưu trú khác;

- Tổ chức hoạt động cung cấp bao cao su miễn phí.

Như vậy, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su cho người có quan hệ tình dục đồng giới, người bán dâm thông qua những hình thức sau:

- Cung cấp miễn phí bao cao su thông qua các chương trình, dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. Bao cao su cung cấp miễn phí phải được in rõ trên bao bì hoặc nhãn phụ dòng chữ “Cung cấp miễn phí, không được bán”;

- Bán thương mại bao cao su theo quy định của pháp luật về quản lý thiết bị y tế.

Quy định về trách nhiệm phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư

Theo đó, tại Điều 17 Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006 sửa đổi 2020 về phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư như sau:

(1) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có các trách nhiệm sau đây:

- Tổ chức các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, giáo dục sự thương yêu, đùm bọc đối với người nhiễm HIV, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, họ tộc, quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam;

- Tổ chức chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV và gia đình họ, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội;

- Phát huy vai trò của các tổ trưởng dân phố, trưởng cụm dân cư, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, trưởng làng, trưởng ấp, trưởng phum, trưởng sóc, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các dòng họ, trưởng tộc, các chức sắc tôn giáo, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng trong việc vận động Nhân dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS;

- Xây dựng và phát triển mô hình gia đình văn hóa, tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc gắn với việc phòng, chống HIV/AIDS;

- Tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ.

(2) Tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc có các trách nhiệm sau đây:

- Tuyên truyền, vận động và giáo dục các gia đình trên địa bàn tham gia và thực hiện các quy định về phòng, chống HIV/AIDS;

- Lồng ghép hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào phong trào quần chúng, hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng và các hoạt động xã hội khác;

- Đấu tranh chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ.

(3) Nhà nước khuyến khích dòng họ, hàng xóm, bạn của người nhiễm HIV động viên về tinh thần, chăm sóc, giúp đỡ và tạo điều kiện cho người nhiễm HIV sống hòa nhập với cộng đồng và xã hội.

Nguyễn Ngọc Trầm
727

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]