19/04/2024 11:33

Cụm công nghiệp là gì? Thành lập cụm công nghiệp cần những điều kiện gì?

Cụm công nghiệp là gì? Thành lập cụm công nghiệp cần những điều kiện gì?

Tôi muốn hỏi cụm công nghiệp là gì? Thành lập cụm công nghiệp cần những điều kiện gì? “Quang Dương – Hà Nam”

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Cụm công nghiệp là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 32/2024/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/05/2024) thì Cụm công nghiệp là nơi sản xuất công nghiệp, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống, được đầu tư xây dựng chủ yếu nhằm thu hút, di dời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác vào đầu tư sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, Cụm công nghiệp có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 10 ha. Riêng đối với cụm công nghiệp ở các huyện miền núi và cụm công nghiệp làng nghề có quy mô diện tích không vượt quá 75 ha và không dưới 05 ha.

2. Thành lập cụm công nghiệp cần những điều kiện gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 32/2024/NĐ-CP thì việc thành lập cụm công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Có trong Danh mục các cụm công nghiệp trên địa bàn cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện;

- Có doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức có tư cách pháp lý, có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp;

- Trong trường hợp địa bàn cấp huyện đã thành lập cụm công nghiệp thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các cụm công nghiệp đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các cụm công nghiệp không vượt quá 100 ha.

Như vậy, điều kiện thành lập cụm công nghiệp là phải có trong quy hoạch, có nhà đầu tư phù hợp và đáp ứng nhu cầu về đất đai tại địa phương.

3. Hồ sơ thành lập cụm công nghiệp gồm những giấy tờ gì?

Theo quy định Điều 9 Nghị định 32/2024/NĐ-CP thì hồ sơ thành lập cụm công nghiệp gồm những giấy tờ gồm:

- Tờ trình đề nghị thành lập cụm công nghiệp của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trường hợp cụm công nghiệp nằm trên hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao một Ủy ban nhân dân cấp huyện trình đề nghị thành lập cụm công nghiệp;

- Văn bản của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (trong đó có cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật và chịu mọi chi phí, rủi ro nếu không được chấp thuận) kèm theo Báo cáo đầu tư thành lập cụm công nghiệp và bản đồ xác định vị trí, ranh giới của cụm công nghiệp;

- Bản sao hợp lệ tài liệu về tư cách pháp lý của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp;

- Bản sao hợp lệ tài liệu chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm ít nhất một trong các tài liệu sau:

+ Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất;

+ Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ;

+ Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính;

+ Bảo lãnh về năng lực tài chính;

+ Tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính (nếu có);

- Bản sao hợp lệ tài liệu chứng minh kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và các văn bản, tài liệu khác có liên quan (nếu có).

Đồng thời, Báo cáo đầu tư thành lập cụm công nghiệp gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Căn cứ pháp lý, sự cần thiết, đánh giá sự phù hợp, đáp ứng các điều kiện thành lập cụm công nghiệp; nhu cầu lao động; tác động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, tỷ lệ lấp đầy của cụm công nghiệp;

- Hiện trạng sử dụng đất, điều kiện thu hồi đất, dự kiến nhu cầu sử dụng đất, định hướng bố trí các ngành, nghề có tính liên kết, hỗ trợ trong sản xuất; cơ cấu sử dụng đất và dự kiến thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp; đánh giá khả năng đấu nối hạ tầng kỹ thuật bên trong và ngoài cụm công nghiệp;

- Xác định mục tiêu, diện tích, địa điểm, phạm vi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; phân tích, lựa chọn phương án đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; phương án giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư (nếu có); thời hạn, tiến độ thực hiện dự án phù hợp với thực tế và khả năng huy động các nguồn lực; kế hoạch, tiến độ thu hút đầu tư, di dời và tỷ lệ lấp đầy của cụm công nghiệp; phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cụm công nghiệp; phương án nhà ở dành cho lao động của cụm công nghiệp;

- Xác định rõ tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; dự kiến tổng mức đầu tư, cơ cấu, khả năng cân đối, huy động các nguồn vốn đầu tư để thực hiện dự án;

- Chi phí duy tu bảo dưỡng, vận hành hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, các chi phí liên quan khác; phương thức quản lý, khai thác sử dụng sau khi đi vào hoạt động;

- Đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; dự kiến khả năng tiếp nhận, xử lý chất thải xung quanh khu vực dự kiến thành lập cụm công nghiệp; dự báo những nguồn thải, tác động môi trường của các ngành, nghề dự kiến thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp và phương án quản lý môi trường; đánh giá sự phù hợp về chức năng nguồn nước;

- Đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có); phân tích, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế, xã hội của cụm công nghiệp; các giải pháp tổ chức thực hiện.

Như vậy, hồ sơ thành lập cụm công nghiệp bao gồm tờ trình đề nghị thành lập cụm công nghiệp của Ủy ban nhân dân cấp huyện; văn bản đề nghị làm chủ đầu tư hạ tầng của nhà đầu tư, kèm Báo cáo đầu tư và bản đồ xác định vị trí, ranh giới của cụm công nghiệp; giấy tờ xác minh tư cách pháp lý, năng lực tài chính và kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Hứa Lê Huy
1027

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]