25/09/2023 17:30

Cục Thú y hướng dẫn tiêu huỷ gia súc, gia cầm khi có dịch bệnh

Cục Thú y hướng dẫn tiêu huỷ gia súc, gia cầm khi có dịch bệnh

Gia súc, gia cầm bị nhiễm bệnh cần phải xử lý, tiêu hủy như thế nào? Hướng dẫn giúp tôi cách tiêu hủy xác động vật mắc bệnh. Mạnh Vũ – Bình Định.

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Động vật mắc bệnh là gì?

Động vật mắc bệnh: là động vật có triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh  hoặc đã xác định được mầm bệnh.

Yêu cầu chung về kỹ thuật tiêu huỷ gia súc, gia cầm khi có dịch bệnh:

Theo quy định tại mục 2.1 chương 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01- 41:2011/BNNPTNT về các định kỹ thuật tiêu huỷ gia súc, gia cầm khi có dịch bệnh như sau:

- Việc tiêu huỷ cần hoàn thành càng sớm càng tốt để hạn chế tối đa cơ hội phát tán của mầm bệnh.

- Trong trường hợp chưa kịp tiêu hủy ngay, xác động vật và sản phẩm động vật phải được phun thuốc sát trùng.

- Ưu tiên cho việc tiêu huỷ tại chỗ, chỉ vận chuyển đi xa khi không có đủ điều kiện tiêu huỷ tại chỗ.

- Xác động vật, sản phẩm động vật tiêu huỷ phải được giám sát chặt chẽ nhằm ngăn ngừa các loài vật nuôi, côn trùng, động vật hoang dã phát tán mầm bệnh ra môi trường.

- Động vật tiêu hủy phải được làm chết trước khi tiêu huỷ.

2. Phương pháp tiêu huỷ gia súc, gia cầm khi có dịch bệnh

Theo quy định tại Mục 2.2 Chương 2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01- 41:2011/BNNPTNT về các phương pháp tiêu huỷ cụ thể:

Phương pháp chôn:

- Địa điểm

+ Địa điểm chôn lấp phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Địa điểm chôn lấp phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

+ Đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, địa điểm chôn phải ở cuối khu giết mổ và cuối hướng gió chính.

+ Không chôn động vật và sản phẩm động vật ở vùng ngập nước hoặc có mực nước ngầm nông.

+ Bãi chôn lấp phải xa các đô thị, các thành phố, khu đông dân cư, công trình văn hoá, khu du lịch, đền chùa, bệnh viện, trạm y tế.

+ Nên chôn xác gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật trong khu vực có nhiều cây xanh (cây lấy gỗ, lấy nhựa,...) để quá trình vô cơ hoá trong hố chôn xẩy ra nhanh chóng, hạn chế ô nhiễm môi trường.

- Quy định hố chôn:

+ Ở khu vực đất cát, đáy và xung quanh thành hố chôn cần có vật liệu chống thấm để bảo vệ nguồn nước ngầm.

+ Quy định chung về kích thước hố: chiều rộng không quá 03m để dễ thao tác, chiều dài có thể 9 – 12m, chiều sâu 1,2 – 1,5m.

+ Trường hợp lượng chất chôn lấp trên 10 tấn/hố, vị trí hố chôn gần khu vực khai thác nước ngầm, sông, hồ, hố chôn cần được lót vật liệu chống thấm ở đáy và xung quanh thành hố.

+ Nếu lượng chất chôn lấp ít (dưới 10 tấn/hố), ví trí hố chôn xa khu dân cư, xa nguồn nước, mực nước ngầm sâu và không có vật liệu chống thấm thì chôn trực tiếp.

+ Sau khi chôn lấp, bề mặt hố chôn và xung quanh khu vực chôn phải được rải vôi bột, phun khử trùng để diệt mầm bệnh phát tán trong quá trình thao tác.

+ Phải đặt biển báo ở khu vực chôn lấp động vật và sản phẩm động vật.

- Kiểm tra sau khi chôn lấp.

+ Khu vực chôn lấp phải được kiểm tra 1 tuần/lần trong vòng 1 tháng đầu sau khi chôn lấp. Nếu có hiện tượng bất thường như hố chôn bị sụt, lún, vỡ bề mặt...cần có biện pháp xử lý kịp thời, đó là phủ thêm đất, lấp lại, phun hóa chất khử trùng.

+ Các hộ gia đình hoặc các trang trại cách hố chôn < 100m, cần lấy mẫu kiểm tra nguồn nước sau khi chôn lấp từ 3 - 4 tuần và kiểm tra lại 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện sự ô nhiễm nguồn nước và có biện pháp xử lý.

Phương pháp đốt

- Địa điểm đặt giàn đốt phải đảm bảo hơi nóng, khói, bụi và mùi do chất đốt tạo ra không làm ảnh hưởng đến các công trình ngầm hay trên cao, đường đi và khu dân cư xung quanh.

- Địa điểm đốt phải thuận tiện cho việc vận chuyển nhiên liệu, xác động vật và sản phẩm động vật hoặc các chất cần đốt khác.

- Nhiên liệu, các chất dùng để thiêu đốt động vật, sản phẩm động vật phải đảm bảo đủ để hoàn tất việc đốt.

- Có thể tạo khoảng không cho không khí lưu thông nhằm rút ngắn thời gian đốt bằng cách đào các rãnh dưới giàn thiêu hoặc nâng cao giàn lửa.

Phương pháp khử trùng tiêu độc

- Việc tiêu độc khử trùng phải bảo đảm tiêu diệt được mầm bệnh trên quần áo, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, nhà xưởng, nền chuồng và môi trường xung quanh; Phải thực hiện việc làm sạch cơ học trước khi tiêu độc khử trùng

- Sử dụng thuốc sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Người thực hiện tiêu độc, khử trùng phải tuân thủ quy trình tiêu độc, khử trùng

- Cấm những người không có nhiệm vụ vào khu vực tiêu huỷ. Cán bộ thú y, những người tham gia tiêu huỷ động vật bệnh phải được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động.

Như vậy, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong lãnh thổ Việt Nam có hoạt động liên quan đến chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật có thể thực hiện theo 3 phương pháp trên khi gia súc, gia cầm nhiễm bệnh, chết…

3. Hướng dẫn các bước tiến hành chôn gia súc, gia cầm

Theo quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01- 41:2011/BNNPTNT về bước tiến hành chôn gia súc, gia cầm như sau:

Bước 1. Khi việc đào hố hoàn tất, cho phân rác, chất độn chuồng xuống đáy hố.

Chú ý:

- Không cần rải vôi bột ở đáy hố

- Lượng phân rác cũng được tính chung trong khối lượng gia cầm cần chôn lấp khi đào hố để bảo đảm rằng thể tích hố chôn gấp 3-4 lần khối lượng vật chất cần chôn lấp

Bước 2. Xếp xác động vật và sản phẩm động vật cần tiêu huỷ xuống đáy hố

Bước 3. Rải một lớp phân rác lên trên đống xác.

- Có thể rắc một lớp vôi bột ( 0,8 -1kg/m2) lớp trên cùng đống xác;

- Tuyệt đối không dùng dầu hay xăng để đốt trước khi lấp đất.

Bước 4. Lấp đất cho bằng miệng hố và nén chặt.

Bước 5. Tiếp tục

- Đắp thêm đất ở trên miệng hố theo hình chóp cụt với chiều cao khoảng 0,6 - 1m và rộng ra xung quanh miệng hố 0,3 -0,4m để tránh nước mưa chảy vào hố chôn.

- Có thể dùng nước để làm ẩm lớp đất phía trên cho dễ thao tác.

- Trọng lượng của khối đất phía trên có tác dụng ngăn chặn thú ăn thịt đào xác và giúp cho việc khử mùi, hấp thụ nước bẩn tạo ra do phân huỷ.

Bước 6. Phía ngoài khu vực hố chôn, cách khoảng 1m, tạo một rãnh nước với kích thước: rộng 20 -30cm và sâu 20 – 25 cm, có tác dụng dẫn nước mưa ra thoát ra ngoài, tránh ứ đọng nước quanh hố chôn.

Bước 7. Trên bề mặt hố chôn, rắc vôi bột với lượng 0,8kg/m2, hoặc phun dung dịch chlorine nồng độ 2%, với lượng 0,2 - 0,25 lít/m2 để diệt mầm bệnh phát tán trong quá trình thao tác .

Bước 8. Sau khi hoàn tất việc chôn, phải đặt biển cảnh báo khu vực chôn lấp, cử người quản lý hố chôn trong 1-2 ngày đầu để tránh việc đào bới lấy xác gây hậu quả nguy hiểm, hạn chế sự qua lại của người hay vật nuôi quanh khu vực chôn lấp.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
2730

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]