11/06/2024 17:49

Công văn 2621/TCHQ-TXNK: Phụ tùng, linh kiện phần cứng, điện tử không được giảm thuế GTGT

Công văn 2621/TCHQ-TXNK: Phụ tùng, linh kiện phần cứng, điện tử không được giảm thuế GTGT

Hàng hóa là phụ tùng và linh kiện phần cứng, điện tử có thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT không? Người nộp thuế GTGT là ai? Quy định về thời điểm xác định thuế GTGT như thế nào?

Ngày 07/6/2024, Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính ra Công văn 2621/TCHQ-TXNK về việc thuế GTGT theo Nghị định 94/2023/NĐ-CP. Theo đó, Tổng Cục hải quan có ý kiến như sau:

1. Phụ tùng, linh kiện phần cứng, điện tử có được giảm thuế GTGT không?

Theo pháp luật về hải quan và pháp luật về quản lý thuế, người khai hải quan có trách nhiệm kê khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế.

Căn cứ Mục VI, Phần B Phụ lục III Nghị định 94/2023/NĐ-CP về nhóm hàng hóa công nghệ thông tin khác theo pháp luật về công nghệ thông tin thuộc Danh mục hàng hóa,dịch vụ Công nghệ thông tin không được giảm thuế giá trị gia tăng (ban hành kèm Nghị định 94/2023/NĐ-CP), thì trường hợp hàng hóa là phụ tùng và linh kiện phần cứng, điện tử không thuộc đối tượng được giảm thuế GTGT, bao gồm các loại hàng hóa sau:

- Bộ phận, phụ tùng của các nhóm sản phẩm phần cứng, điện tử thuộc nhóm từ Mục I đến Mục V Phần B Phụ lục III Nghị định 94/2023/NĐ-CP

- Các thiết bị bán dẫn, đèn điện tử, mạch điện tử và dây cáp điện; 

- Tụ điện; 

- Điện trở; 

- Cuộn cảm; 

- Đèn đi ốt điện tử (LED); 

- Các thiết bị bán dẫn; 

- Mạch in; 

- Mạch điện tử tích hợp; 

- Cáp đồng, 

- Cáp quang; 

- Loại khác.

Mã số HS ở cột (10) Phụ lục I, cột (10) Phần A và cột (4) Phần B Phụ lục III Nghị định 94/2023/NĐ-CP chỉ để tra cứu. Việc xác định mã số HS đối với hàng hóa thực tế nhập khẩu thực hiện theo quy định về phân loại hàng hóa tại Luật Hải quan và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Hải quan.

2. Người nộp thuế GTGT là ai?

Theo Điều 3 Thông tư 21/VBHN-BTC thì người nộp thuế GTGT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT bao gồm:

(1) Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp), Luật Hợp tác xã và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác;

(2) Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác;

(3) Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật đầu tư); các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam;

(4) Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu;

(5) Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế, trừ trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Thông tư 21/VBHN-BTC.

Quy định về cơ sở thường trú và đối tượng không cư trú thực hiện theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

(6) Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.

3. Quy định về thời điểm xác định thuế GTGT

Căn cứ tại Điều 8 Thông tư 21/VBHN-BTC quy định về thời điểm xác định thuế GTGT như sau:

- Đối với bán hàng hóa: là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

- Đối với cung ứng dịch vụ: là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Đối với dịch vụ viễn thông: là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ kết nối viễn thông theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối viễn thông.

- Đối với hoạt động cung cấp điện, nước sạch: là ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ để ghi trên hóa đơn tính tiền.

- Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê: là thời điểm thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng. Căn cứ số tiền thu được, cơ sở kinh doanh thực hiện khai thuế GTGT đầu ra phát sinh trong kỳ.

- Đối với xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu: là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

- Đối với hàng hóa nhập khẩu: là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
193

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn