Chào anh, Ban biên tập xin được giải đáp câu hỏi trên như sau:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì công ty tài chính chính được xem là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng.
Có thể kể tên một số công ty tài chính tại Việt Nam hiện nay như sau:
+ Công ty Tài chính Home Credit ;
+ Công ty Tài chính HD SAISON;
+ Công ty Tài chính Mirae Asset Việt Nam;
+ Công ty Tài chính FE Credit.
Ngoài công ty tài chính thì còn có công ty cho thuê tài chính cũng áp dụng mô hình kinh doanh tương tự.
Căn cứ theo Điều 108 Luật các tổ chức tín dụng 2010 thì công ty tài chính được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng sau đây:
(1) Nhận tiền gửi của tổ chức;
(2) Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức;
(3) Vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; vay Ngân hàng Nhà nước dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
(4) Cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng;
(5) Bảo lãnh ngân hàng;
(6) Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác;
(7) Phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán, cho thuê tài chính và các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Dịch vụ vay vốn tại công ty tài chính có những điểm khác với việc vay qua ngân hàng sau:
+ Về thủ tục vay vốn: Thủ tục vay vốn tại công ty tài chính thường đơn giản, nhanh chóng, chỉ cần giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc sổ hộ khẩu là có thể cho vay mà có thể không cần tài sản thế chấp;
Còn khi làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng thì cần phải cung cấp các giấy tờ chứng minh thu nhập, đối với khoản vay lớn thì cần phải có tài sản thế chấp.
+ Về hạn mức cho vay: Công ty tài chính có hạn mức cho vay nhỏ, thông thường từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, còn đối với ngân hàng thì hạn mức cho vay cao, phụ thuộc vào điểm tín dụng của bên vay.
+ Về mục đích vay: Khi cho vay, công ty tài chính đáp ứng rộng rãi nhu cầu của khách hàng đối với các vật dụng sinh hoạt thông thường, từ điện thoại, máy vi tính, xe máy, ô tô,... Trong khi phía ngân hàng thường chỉ cho vay các khoản tiền lớn hơn như cho vay nhà thế chấp, sửa chữa nhà, mua ô tô...
+ Về mức lãi suất cho vay: Công ty tài chính thường cho vay với mức lãi suất cao hơn so với khi vay vốn tại ngân hàng.
Căn cứ theo Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:
Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Theo đó, mức cho vay tại các công ty tài chính không được vượt quá 20%/năm của khoản vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.