Điển hình như Bản án 07/2017/LĐ-ST ngày 06/09/2017 về tranh chấp bảo hiểm xã hội do Tòa án nhân dân thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm:
“Nguyên đơn vào làm việc tại công ty TNHH P (sau đây gọi tắt là công ty P) từ ngày 02/02/2012, công việc phải làm bảo là công nhân xưởng Thành phẩm. Địa điểm làm việc: khu phố T, phường C, thị xã D, tỉnh B. Nguyên đơn được Công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định. Từ tháng 01/2016 đến tháng 8/2016, mức lương cơ bản của nguyên đơn là 3.825.000 đồng, ngoài ra còn có các khoản phụ cấp như tiền nhà trọ, hiệu suất công việc... Tháng 9/2016 nguyên đơn xin nghỉ việc tại Công ty. Trong suốt quá trình nguyên đơn làm việc theo hợp đồng lao động, hàng tháng công ty P vẫn trích tiền lương của nguyên đơn để tham gia bảo hiểm bắt buộc nhưng thực tế Công ty chỉ thực hiện trích nộp tiền bảo hiểm xã hội cho Bảo hiểm xã hội thị xã D, tỉnh B đến tháng 5/2016, từ tháng 6/2016 đến tháng 8/2016 không thực hiện tiếp. Hiện Công ty P chưa trả sổ Bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn có xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm từ thời điểm nguyên đơn bắt đầu làm việc cho đến thời điểm nghỉ việc.
Nay nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Công ty P tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn từ tháng 06/2016 đến tháng 08/2016 theo quy định của pháp luật và trả sổ Bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn có xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm từ thời điểm nguyên đơn bắt đầu làm việc cho đến thời điểm nghỉ việc.”
Theo quy định tại điều 19 và điều 21 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
Điều 19. Trách nhiệm của người lao động
1. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ bảo hiểm xã hội.
3. Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.
Điều 21. Trách nhiệm của người sử dụng lao động
1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
3. Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
4. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
6. Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.
7. Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.
8. Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật này.
Ngoài ra, Theo quy định tại Khoản 3, Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì “người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động”.
Do đó, việc Công ty không đóng các khoản tiền bảo hiểm bắt buộc cho nguyên đơn là không làm đúng trách nhiệm của người sử dụng lao động quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội và là hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: “Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp” dẫn đến việc nguyên đơn không được cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm từ thời điểm nguyên đơn bắt đầu làm việc cho đến thời điểm nghỉ việc. Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở theo quy định của pháp luật và thông tin từ phía cơ quan Bảo hiểm xã Hội.
Để đảm bảo quyền lợi của người lao động, trong trường hợp này, có thể thực hiện như sau:
Thứ nhất, nếu công ty cũ gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và còn nợ tiền BHXH của nhiều người lao động khác nữa thì có thể yêu cầu công ty đóng trước tiền BHXH, BHTN, BHYT và tiền lãi chậm đóng phát sinh cho riêng mình đến thời điểm nghỉ việc để chốt sổ BHXH. Nếu được phía cơ quan bảo hiểm xã hội quận/huyện nơi công ty đóng bảo hiểm hàng tháng đồng ý thì người lao động có thể chốt được sổ BHXH.
Thứ hai, nếu công ty cũ thực sự chưa có khả năng đóng tiền cho cơ quan BHXH và để không ảnh hưởng đến quá trình tham gia cũng như chốt sổ ở công ty sau này, người lao động có thể khai báo số sổ bảo hiểm xã hội của mình cho công ty để công ty làm thủ tục đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho bạn. Và khi nào công ty cũ chốt sổ bảo hiểm xã hội, người lao động có thể lấy sổ và nộp cho công ty mới.
Bảo hiểm xã hội được đánh giá là một trong những trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của một đất nước hiện nay. Vì thế, mỗi người lao động cần tìm hiểu và cập nhật thông tin chính xác trong lĩnh vực bảo hiểm này nhằm bảo vệ quyền lợi và trách nhiệm của chính mình.