28/04/2023 17:22

Công ty không cho NLĐ nghỉ lễ 30/4 theo quy định có vi phạm pháp luật?

Công ty không cho NLĐ nghỉ lễ 30/4 theo quy định có vi phạm pháp luật?

Tôi đang làm việc tại công ty X, công ty thông báo tôi phải làm việc ngày 29/4 và 30/4 thì có đúng quy định pháp luật không? “Thảo My – Phú Yên”.

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Những ngày nghỉ lễ, tết người lao động được hưởng

Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật lao động 2019 thì người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch).

- Tết Âm lịch: 05 ngày.

- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

- Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

- Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

- Hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ Tết Âm lịch và ngày Quốc khánh.

Như vậy, ngày lễ sắp tới 30/4 theo quy định của pháp luật, người lao động sẽ được nghỉ làm và được hưởng nguyên lương. Nếu công ty muốn người lao động làm việc trong những ngày này thì phải được sự đồng ý của người lao động và phải trả thêm cho người lao động ít nhất 300% lương chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Do đó, việc công ty thông báo chị phải làm ngày lễ 30/4 mà chưa được sự đồng ý của chị là sai quy định pháp luật.

2. Mức xử phạt đối với hành vi buộc người lao động làm ngày lễ 30/4

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 28/2020/NĐ-CP về vi phạm quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:

+ Không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định.

+ Không rút ngắn thời giờ làm việc đối với người lao động trong năm cuối cùng trước khi nghỉ hưu theo quy định.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

+ Thực hiện thời giờ làm việc bình thường quá số giờ làm việc theo quy định của pháp luật;

+ Huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động, trừ trường hợp theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Lao động.

(*) Mức phạt vượt quá số giờ ngày lễ:

- Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định của Bộ luật Lao động hoặc quá 12 giờ trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần theo một trong các mức sau đây:

+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

+ Từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

+ Từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

+ Từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Như vậy, đối với hành vi buộc người lao động làm ngày lễ 30/4 mà chưa được sự đồng ý thì doanh nghiệp đó sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

3. Một số bản án tham khảo về tranh chấp làm thêm giờ

- Bản án về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 02/2021/LĐ-PT.

- Bản án 10/2018/LĐ-PT ngày 29/08/2018 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

- Bản án 24/2019/LĐ-PT ngày 12/11/2019 về tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

- Bản án về tranh chấp tiền lương, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động số 628/2018/LĐ-PT.

- Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 06/2021/LĐ-PT.

Nguyễn Ngọc Trầm
1539

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]