Mới đây, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã có Công văn 3332/CTBDI-TTHT về chính sách thuế đối với tiền lãi gửi tiết kiệm.
Tải Công văn 3332/CTBDI-TTHT: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/cong-van-3332.pdf
Theo đó, Cục Thuế tỉnh Bình Định có ý kiến về chính sách thuế đối với tiền lãi gửi tiết kiệm như sau:
Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ được quy định như sau:
Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Cũng tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về thời điểm lập hóa đơn như sau:
Thời điểm lập hóa đơn
...
2. Thời điểm lập hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền (không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng).
...
Theo đó, Công văn 3332/CTBDI-TTHT đã có ý kiến rằng trường hợp công ty có gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn cho ngân hàng và được trả lãi định kỳ hàng tháng thì công ty phải xuất hóa đơn cho ngân hàng đối với dịch vụ gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn.
Thời điểm xuất hóa đơn cho ngân hàng là thời điểm trả lãi cho đơn vị theo hợp đồng, không phân biệt đã thu hay chưa thu được tiền.
Tuy nhiên, tại Công văn 4085/TCT-DNL năm 2017 hướng dẫn chính sách thuế, Tổng cục Thuế đã có ý kiến như sau:
Đối với thu nhập từ lãi tiền gửi
Tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT quy định các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT:
“1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.”
Trường hợp Công ty MB Capital thu tiền mặt từ việc bán chứng khoán và gửi tại ngân hàng số tiền trên thì thu nhập từ lãi tiền gửi của Công ty là khoản thu tài chính khác, thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo quy định tại khoản 1, Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Công ty không phải phát hành hóa đơn GTGT đối với khoản thu tài chính này.
Như vậy, theo ý kiến của Tổng cục Thuế thì thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty là khoản thu tài chính khác, cho nên công ty không phải phát hành hóa đơn GTGT đối với khoản thu tài chính này.
Căn cứ tại khoản 8 Điều 4 Thông tư hợp nhất 21/VBHN-BTC quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT đối với dịch vụ tài chính, ngân hàng:
Đối tượng không chịu thuế GTGT
...
8. Các dịch vụ tài chính, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán sau đây:
a) Dịch vụ cấp tín dụng gồm các hình thức:
- Cho vay;
- Chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác;
- Bảo lãnh ngân hàng;
- Cho thuê tài chính;
- Phát hành thẻ tín dụng.
...
b) Hoạt động cho vay riêng lẻ, không phải hoạt động kinh doanh, cung ứng thường xuyên của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng.
Ví dụ 5: Công ty cổ phần VC có tiền nhàn rỗi tạm thời chưa phục vụ hoạt động kinh doanh, Công ty cổ phần VC ký hợp đồng cho Công ty T vay tiền trong thời hạn 6 tháng và được nhận khoản tiền lãi thì khoản tiền lãi Công ty cổ phần VC nhận được thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
...
Như vậy, trường hợp công ty gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn tại ngân hàng được xem là hoạt động cho vay riêng lẻ của người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng. Do đó, khoản lãi tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn được xác định là doanh thu thuộc dịch vụ không chịu thuế GTGT.
Căn cứ Điều 14 Thông tư hợp nhất 21/VBHN-BTC quy định nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:
Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
...
Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế không hạch toán riêng được.
Cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT hàng tháng/quý tạm phân bổ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định mua vào được khấu trừ trong tháng/quý, cuối năm cơ sở kinh doanh thực hiện tính phân bổ số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của năm để kê khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào đã tạm phân bổ khấu trừ theo tháng/quý.
...
Như vậy, nếu có doanh thu từ khoản lãi tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn thì công ty phân bổ thuế GTGT đầu vào theo nguyên tắc nêu trên.