25/07/2023 16:09

Công ty có được tự ý cắt, giảm lương của NLĐ không?

Công ty có được tự ý cắt, giảm lương của NLĐ không?

Gần đây, tôi nhận lương ít hơn trong HĐLĐ. Tôi được nghe là do tôi làm không đạt KPI của công ty. Vậy công ty có được tự ý cắt, giảm lương của NLĐ không? Minh Khang – Bình Dương.

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Công ty có được tự ý cắt, giảm lương của NLĐ không?

Theo quy định tại tại Điều 33 Bộ luật Lao động 2019 về sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động như sau:

- Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

- Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

- Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.

Như vậy, trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động công ty không được tự ý cắt, giảm lương của NLĐ. Nếu công ty muốn giảm lương của NLĐ do làm việc không hiệu quả thì cần báo trước, thỏa thuận và được sự đồng ý của NLĐ.

Đồng thời, thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

2. Tự ý cắt, giảm lương NLĐ công ty bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, xử phạt hành vi vi phạm quy định về tiền lương như sau:

Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:

- Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật;

- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ;

- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm;

- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật;

- Hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động;

- Ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định;

- Khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật;

- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công;

- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm;

- Không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật;

- Không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:

+ Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

+ Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

+ Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

+ Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

+ Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Đồng thời, công ty vi phạm quy định về tiền lương còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP:

- Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;

- Buộc người sử dụng lao động trả đủ khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cộng với khoản tiền lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.

Như vậy, công ty tự ý cắt, giảm lương NLĐ từ 1 người đến 10 người thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng. Đồng thời, công ty buộc sẽ trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất ngân hàng…

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
1027

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]