17/02/2024 09:23

Công tác thi đua khen thưởng ngành Ngân hàng trong năm 2024

Công tác thi đua khen thưởng ngành Ngân hàng trong năm 2024

Tôi nghe nói rẳng đã có quy định mới về công tác thi đua khen thưởng ngành Ngân hàng, mong Ban biên tập có thể nêu rõ cụ thể hơn? Chị Trâm Anh (Hà Nam).

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

Ngày 31/12/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 25/2023/TT-NHNN quy định về công tác thi đua khen thưởng ngành Ngân hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/02/2024.

04 danh hiêu thi đua khen thưởng ngành Ngân hàng

Theo đó, 04 danh hiệu thi đua khen thưởng ngành Ngân hàng được quy định tại Thông tư 25/2023/TT-NHNN, bao gồm:

Danh hiệu “Lao động tiên tiến"

Danh hiệu “Lao động tiên tiến” được xét tặng hằng năm cho các cá nhân trong ngành Ngân hàng chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định, quy chế của ngành Ngân hàng, địa phương, của đơn vị và đạt các tiêu chuẩn sau:

+ Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;

+ Có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua.

Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến” đối với cá nhân thuộc một trong các trường hợp: mới tuyển dụng dưới 10 tháng, bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên.

Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến”

Danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” được xét tặng hằng năm cho các tập thể trong ngành Ngân hàng đạt các tiêu chuẩn sau:

+ Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;

+ Tham gia phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả;

+ Có ít nhất là 70% cá nhân trong tập thể đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên;

+ Nội bộ đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”

Danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” được xét tặng hằng năm cho các tập thể trong ngành Ngân hàng, được lựa chọn trong số các tập thể đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” và đạt các tiêu chuẩn như sau:

+ Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao;

+ Tích cực tham gia phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả;

+ Có 100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có ít nhất là 70% cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”;

+ Có cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;

+ Nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

 Danh hiệu “Cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước”

Danh hiệu “Cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước” được xét tặng hằng năm cho tập thể chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngân hàng Nhà nước, của đơn vị và địa phương, dẫn đầu phong trào thi đua của Khối, Cụm thi đua và đạt các tiêu chuẩn sau đây:

+ Hoàn thành vượt các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ được giao trong năm; là tập thể tiêu biểu xuất sắc trong Bộ, ban, ngành, tỉnh;

+ Nội bộ đoàn kết; tổ chức đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh; tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác.

Danh hiệu “Cờ thi đua của Ngân hàng Nhà nước” được tặng cho các tập thể dẫn đầu phong trào thi đua theo chuyên đề do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát động có thời gian thực hiện từ 3 năm trở lên khi tổng kết phong trào thi đua.

Tiêu chuẩn trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngân hàng Việt Nam” đối với cá nhân trong ngành Ngân hàng

Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngân hàng Việt Nam” (sau đây gọi tắt Kỷ niệm chương) là hình thức khen thưởng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để ghi nhận sự cống hiến của cá nhân trong và ngoài ngành Ngân hàng có nhiều đóng góp vào quá trình phát triển của ngành Ngân hàng Việt Nam.

Cá nhân đã, và đang công tác trong ngành ngân hàng cần đáp ứng những tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư 25/2023/TT-NHNN dưới đây để được trao tặng Kỷ niệm chương:

- Cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trở lên (tính cho tổng thời gian dùng để xét tặng Kỷ niệm chương), có thời gian tham gia công tác trong ngành Ngân hàng đủ 20 năm đối với nam và đủ 15 năm đối với nữ;

- Cá nhân đương nhiên được tặng Kỷ niệm chương gồm có:

+ Cán bộ Ngân hàng được công nhận là liệt sỹ;

+ Cán bộ tham gia Ban trù bị thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam; cán bộ ngân hàng tham gia chiến trường B từ năm 1968 về trước;

+ Cán bộ ngân hàng được Nhà nước tặng thưởng các danh hiệu: “Huân chương Sao vàng”, “Huân chương Hồ Chí Minh”, Huân chương Độc lập các hạng, “Anh hùng Lao động” và các đồng chí là Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước;

- Cá nhân ưu tiên xét tặng Kỷ niệm chương gồm:

+ Cán bộ công tác trong ngành Ngân hàng từ ngày 06/5/1951 đến ngày 07/5/1954 và có thời gian công tác liên tục đủ 10 năm;

+ Cán bộ ngân hàng tham gia chiến trường B, C, K thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trước 30/4/1975 thì thời gian công tác được nhân hệ số 2 (một năm bằng 2 năm) khi xét tặng;

+ Cán bộ trước đây công tác trong ngành Ngân hàng được cử đi bộ đội, thanh niên xung phong, đi học hoặc điều động sang ngành khác sau đó tiếp tục về lại ngành Ngân hàng công tác thì thời gian đó vẫn được tính là thời gian công tác liên tục trong ngành Ngân hàng khi xét tặng.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
188

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn