14/11/2019 07:47

Công sức chăm sóc cha mẹ khi về già được tính thành tiền khi chia thừa kế?

Công sức chăm sóc cha mẹ khi về già được tính thành tiền khi chia thừa kế?

Có một thực tế đáng buồn trong xã hội hiện nay là khi cha mẹ già yếu, bệnh tật thì các con đùn đẩy trách nhiệm cho nhau nhưng khi cha mẹ đã mất thì lại giành giật tài sản.

Tất nhiên không phải trường hợp nào con cái cũng bỏ bê, không ngó ngàng đến cha mẹ lúc già yếu vẫn có những người con tận tình chăm sóc. Vậy đối với những trường hợp này khi chia thừa kế thì mức nhận có giống nhau hay phải tính đến công sức của người con đã phụng dưỡng, chăm sóc?

Điển hình tại Bản án 13/2018/DSPT ngày 27/04/2018 về tranh chấp thừa kế tài sản, theo đó:

“Cụ Hoàng Văn Đ, sinh năm 1920 và cụ Hoàng Thị K (G), sinh năm 1925 có 6 người con đẻ là: Hoàng Văn C, Hoàng Thị B1, Hoàng Văn V, Hoàng Thị B2 (B), Hoàng Thị L và Hoàng Thị M (trong đó có 2 người con trai là ông C, ông V và 4 người con gái).

Từ khi ông C và ông V lập gia đình, các ông chỉ ở với bố mẹ một thời gian ngắn thì về ở quê vợ đến nay là hơn 30 năm. Bà B1 và bà B2 phải gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong nhà từ giỗ tết, hiếu hỷ, phụng dưỡng, ma chay, sang cát cho bố mẹ. Các con trai không ai có trách nhiệm gì. Năm cụ Đ chết bà B1 giao trả vợ chồng ông C trách nhiệm con trưởng để lo hậu sự cho bố nhưng vợ chồng ông C không nhận. Khi cụ G mất bà B1 và mấy chị em gái cũng lo liệu toàn bộ.

Tòa án nhận định: Bà B1 và bà B2 có công chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ từ khi các cụ hết tuổi lao động đến khi qua đời, cũng như có công sức, quản lý duy trì tài sản bố mẹ để lại từ năm 2002 đến nay. Vì vậy, cần áng trích cho bà B1 và bà B2 mỗi người được hưởng khoảng 12 triệu đồng công sức phụng dưỡng bố mẹ/1năm tính từ thời điểm cụ Đ và cụ K hết tuổi lao động đến khi 2 cụ qua đời vào khoảng 20 năm, bằng 240 triệu đồng/người. Và khoản công sức quản lý, duy trì tài sản từ năm 2002 đến nay là 16 năm, mỗi năm 1.000.000đ, bằng 16.000.000đ. Tổng công sức áng trích cho bà B1 và bà B2 là 496.000.000đ tương ứng 301m2 đất."

Bản án đã tuyên: Di sản của cụ Đ cụ K để lại là 2 thửa đất theo đo thực tế là 697m2 trị giá là 1.650.000đ/m2 bằng 1.150.050.000đ, trừ đi khoản công sức chăm sóc, phụng dưỡng cho bố mẹ và công sức quản lý, duy trì tài sản của bà B1 và bà B2 là 496.000.000đ, còn 654.050.000đ là phần di sản của cụ Đ và cụ K sẽ được phân chia thừa kế theo pháp luật cho 6 người con.

Hiện nay, pháp luật có quy định về công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế tại Án lệ 05/2016/AL về vụ án tranh chấp di sản thừa kế. Nhưng không có quy định pháp luật nào về vấn đề tính tiền công sức chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ mà thường do Hội đồng xét xử căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét có tính hay không.

Mặc dù trong Bộ luật dân sự 2015 đã có quy định về người không được hưởng di sản như sau:

Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Nhưng nếu muốn kết luận để một người không được hưởng di sản thừa kế do vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản là rất khó. Do Bộ luật dân sự 2015 chưa có nhiều văn bản hướng dẫn và nếu tìm trong Bộ luật dân sự 2005 quy định tương tự thì quy định này thì cũng không có giải thích, làm rõ của cơ quan lập pháp về thế nào là vi phạm “nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản”.

Theo quan điểm của tôi thiết nghĩ cần có Án lệ hoặc quy định pháp luật về vấn đề này để các trường hợp tương tự bản án trên, Hội đồng xét xử có căn cứ viện dẫn giải quyết cũng như để có sự công bằng giữa những người con có hiếu và người con không có hiếu trong việc chia di sản thừa kế.

Những người được hưởng di sản sẽ được nhận thêm của người để lại di sản một khoản gọi là “chi phí” để thực hiện việc nuôi dưỡng người để lại di sản. Mặc dù biết rằng việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ già xuất phát từ lòng hiếu thảo của con cháu nhưng nếu có sự đảm bảo quyền lợi của pháp luật đối với những người chăm sóc thì sẽ góp phần khuyến khích thế hệ sau chăm nom, phụng dưỡng thế hệ trước, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt.

Nguyễn Sáng
12376

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]