29/08/2023 11:10

Công dân có quyền và nghĩa vụ gì trong thực hiện dân chủ ở cơ sở?

Công dân có quyền và nghĩa vụ gì trong thực hiện dân chủ ở cơ sở?

Tôi muốn hỏi công dân có quyền và nghĩa vụ gì trong thực hiện dân chủ ở cơ sở? Công dân được thụ hưởng những quyền gì?_Bảo Bình(An Giang)

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Khái niệm, nguyên tắc và phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở

Về khái niệm thực hiện dân chủ ở cơ sở

Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Luật Thực hiện dân chủ cơ sở 2022 định nghĩa cơ sở và thực hiện dân chủ ở cơ sở như sau:

- Cơ sở là xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) và cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã; cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị); tổ chức có sử dụng lao động.

- Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Về nguyên tắc thực hiện thực hiện dân chủ ở cơ sở

Theo quy định tại Điều 3 Luật Thực hiện dân chủ cơ sở 2022 thì nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở bao gồm 6 nguyên tắc sau:

- Bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động.

- Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.

Về phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở

Theo Điều 4 Luật Thực hiện dân chủ cơ sở 2022 quy định phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở như sau:

- Mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú.

- Công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác.

Trường hợp cơ quan, đơn vị có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc của cơ quan, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định.

- Công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động.

Trường hợp tổ chức có sử dụng lao động có đơn vị trực thuộc thì việc thực hiện dân chủ tại đơn vị trực thuộc thực hiện theo quy định tại điều lệ, nội quy, quy định, quy chế của tổ chức có sử dụng lao động và pháp luật có liên quan.

Như vậy, quy định trên thể hiện sự cân bằng giữa thúc đẩy dân chủ với việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự ổn định chính trị - xã hội. Đồng thời tạo cơ hội cho người dân tham gia giám sát thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình với các chính sách công ở cấp cơ sở, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, cải thiện dịch vụ công...

2. Công dân có quyền và nghĩa vụ gì trong thực hiện dân chủ ở cơ sở?

Về quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

Quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở được quy định tại Điều 5 Luật Thực hiện dân chủ cơ sở 2022 cụ thể:

- Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật.

- Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

- Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, theo Điều 7 Luật Thực hiện dân chủ cơ sở 2022 công dân được thụ hưởng các quyền sau:

- Được Nhà nước và pháp luật công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Được bảo đảm thực hiện các quyền về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Được thông tin đầy đủ, kịp thời về các quyền và lợi ích hợp pháp, chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội theo quy định của pháp luật và quyết định của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc.

- Được thụ hưởng thành quả đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, chế độ an sinh xã hội, sự an toàn, ổn định của đất nước, của địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động và kết quả thực hiện dân chủ ở nơi mình cư trú, công tác, làm việc.

- Được tạo điều kiện để tham gia học tập, công tác, lao động, sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Về nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

Theo Điều 6 Luật Thực hiện dân chủ cơ sở 2022 quy định nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở như sau:

- Tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Tham gia ý kiến về các nội dung được đưa ra lấy ý kiến ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Chấp hành quyết định của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động.

- Kịp thời kiến nghị, phản ánh, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

- Tôn trọng và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Như vậy, Về quyền, công dân được tham gia ý kiến, giám sát, kiểm tra các vấn đề liên quan đến lợi ích của mình và cộng đồng. Đồng thời được hưởng các quyền về thông tin, thụ hưởng thành quả và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, chế độ an sinh xã hội, sự an toàn, ổn định của đất nước... Về nghĩa vụ, công dân cần tuân thủ pháp luật, tham gia đóng góp ý kiến và chấp hành các quyết định chung trên tinh thần tôn trọng quyền lợi của Nhà nước và cộng đồng. Từ đó tạo hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy dân chủ cơ sở, quyền và trách nhiệm của công dân.

Trân trọng!

Hứa Lê Huy
9502

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]