21/08/2023 14:12

Công dân có được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo không?

Công dân có được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo không?

Tôi muốn hỏi công dân có được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo có công trình phụ là nhà ở không?_Công Điền(Hà Giang)

Chào anh, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Công dân có được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo không?

Theo khoản 4 Điều 20 Luật cư trú 2020 quy định công dân được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Người hoạt động tôn giáo được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển đến hoạt động tôn giáo tại cơ sở tôn giáo;

- Người đại diện cơ sở tín ngưỡng;

- Người được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đồng ý cho đăng ký thường trú để trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng;

- Trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, người đứng đầu hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo đồng ý cho đăng ký thường trú.

Như vậy, chỉ có những công dân thuộc các trường hợp nêu trên mới có thể đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, điều kiện để công dân có thể đăng ký thường trú tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ là nhà ở thì phải được sự đồng ý của người đại diện hoặc ban quản lý, người có thẩm quyền tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đó.

2. Hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo

Hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 21 Luật cư trú năm 2020.

- Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại điểm a, b, và c khoản 4 Điều 21 Luật cư trú 2020 bao gồm:

+ Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người quy định tại điểm c khoản 4 Điều 20 của Luật này thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh là nhà tu hành, chức sắc, chức việc hoặc người khác hoạt động tôn giáo và được hoạt động tại cơ sở tôn giáo đó theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đối với người quy định tại điểm a khoản 4 Điều 20 Luật cư trú 2020; giấy tờ, tài liệu chứng minh là người đại diện cơ sở tín ngưỡng đối với người quy định tại điểm b khoản 4 Điều 20 Luật cư trú 2020;

+ Văn bản xác nhận của UBND cấp xã về việc trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở;

Đồng thời theo Khoản 2, Khoản 3 Điều 7 Thông tư 55/2021/TT-BCA hướng dẫn hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo như sau:

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh là chức sắc, chức việc, nhà tu hành hoặc người khác hoạt động tôn giáo và được hoạt động tại cơ sở tôn giáo gồm một trong giấy tờ sau:

+ Giấy thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc; thông báo kết quả người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc;

+ Giấy thông báo thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành hoặc giấy tờ, tài liệu khác theo quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh là người đại diện cơ sở tín ngưỡng là văn bản công nhận người đại diện cơ sở tín ngưỡng hoặc thành viên ban quản lý của UBND cấp xã.

- Hồ sơ đăng ký thường trú đối với người quy định tại điểm d khoản 4 Điều 20 Luật cư trú 2020 bao gồm:

+ Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng hay người đứng đầu hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

+ Văn bản xác nhận của UBND cấp xã về việc người đăng ký thường trú thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật cư trú 2020 và việc trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở.

Mẫu tờ khai đăng ký thường trú năm 2023:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2023/to-khai-thay-doi-thong-tin-cu-tru.doc

3. Thủ tục đăng ký thường trú

Thủ tục đăng ký thường trú được quy định tại Điều 22 Luật cư trú 2020 cụ thể:

- Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.

- Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định của Luật cư trú 2020 trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.

Như vậy, quy trình đăng ký thường trú được quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo quyền lợi của người dân. Cơ quan đăng ký có trách nhiệm xử lý kịp thời và thông báo cho người dân. Người dân cũng có nghĩa vụ đăng ký đúng thời hạn khi thay đổi nơi thường trú trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.

Hứa Lê Huy
1303

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]