06/11/2023 16:43

Con chung được giải quyết ra sao nếu chưa đăng ký kết hôn?

Con chung được giải quyết ra sao nếu chưa đăng ký kết hôn?

Tôi cần tư vấn pháp luật, cho tôi hỏi là nếu có con mà chưa đăng ký kết hôn thì theo pháp luật sẽ giải quyết ra sao về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con? Hoài Ân - Kon Tum

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Đăng ký kết hôn là gì?

Theo khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: " Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn."

Cũng theo khoản 1 Điều 9 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân & gia đình và pháp luật về hộ tịch.

Như vậy, đăng ký kết hôn là hành vi của nam/nữ tiến hành đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi đủ điều kiện kết hôn. Về điều kiện đăng ký kết hôn nam/nữ phải từ đủ độ tuổi luật định, kết hôn tự nguyện, không bị mất năng lực hành vi dân sự, việc kết hôn không thuộc trường hợp cấm. Khi nam nữ tiến hành đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

2. Chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có vi phạm pháp luật? 

Theo Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.
Hiện nay, việc kết hôn là do tự nguyện của hai bên chứ không có quy định là sống chung thì phải đăng ký kết hôn.

Do đó, pháp luật Việt Nam hiện nay không cấm việc nam nữ sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn. Tuy không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng nhưng giữa nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn vẫn phát sinh các quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, ...  

3. Con chung được giải quyết ra sao nếu chưa đăng ký kết hôn?

Tại Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

Như vậy, nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì quyền nuôi con chung vẫn được giải quyết tương tự như đã kết hôn.

Theo Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định: 

Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Theo đó, Tòa án sẽ xem xét các yếu tố sau đây để xác định ai là người trực tiếp nuôi con:

+ Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

+ Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì sẽ giao trực tiếp cho cha nuôi con hoặc ưu tiên sự thỏa thuận của các bên nếu có lợi cho con. 

Lưu ý: Nguyện vọng của con từ 7 tuổi trở lên khi quyết định sống cùng ai chỉ là một trong các yếu tố để tòa án xem xét quyết định giao con trực tiếp cho ai nuôi. Tòa án phải cân nhắc một loạt các yếu tố khác một cách toàn diện để đưa ra quyết định cuối cùng. Quyết định này dựa trên quyền lợi tốt nhất cho đứa trẻ và sự phù hợp của việc nuôi dưỡng đứa trẻ trong tương lai.  

Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con rất quan trọng, ngay cả khi cha, mẹ không phát sinh quan hệ hôn nhân. Cha, mẹ cần đảm bảo rằng họ có trách nhiệm và quan tâm đến sự phát triển, giáo dục con sau này. Mối quan hệ cha, mẹ, con là một mối quan hệ thiêng liêng và cao cả, vì thế đảm bảo và duy trì giá trị tốt đẹp này chính là góp phần trong việc đảm bảo văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, đồng thời góp phần thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước.

Nguyễn Ngọc Diện
13291

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]