Ngày 5/11/2020 Nguyễn Văn A (40 tuổi) trú tại xã N, huyện M, tỉnh C là lái xe chở khách trong quá trình điều khiển phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 46, thuộc địa bàn huyện HN, tỉnh NA thì gây ra tai nạn hậu quả làm chị Hồ Thị P chết tại chỗ. Sau khi tai nạn xảy ra, Cơ quan Công an đã tiến hành đo nồng độ cồn và xác định Nguyễn Văn A có nồng độ cồn là là 70 mg/100 lít máu. Nguyễn Văn A bị truy tố về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại điềm b khoản 2 Điều 260 BLHS.
Trước khi mở phiên tòa giữa Nguyễn Văn A và đại diện gia đình chị Hồ Thị P thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại theo đó Nguyễn Văn A bồi thường tổng số tiền là 150 triệu đồng, A đưa trước cho đại diện gia đình là 100 triệu đồng còn số tiền 50 triệu đồng hai bên thỏa thuận là trong vòng 6 tháng sẽ bồi thường xong toàn bộ và đề nghị Tòa án ghi nhận việc thỏa thuận bồi thường thiệt hại đó.
Ngày 3/1/2021, phiên tòa xét xử Nguyễn Văn A diễn ra. Trước khi mở phiên tòa A đã đưa cho gia đình chị Hồ Thị P số tiền 100 triệu đồng như đã thỏa thuận. Trong bản án của Tòa án huyện HN, tỉnh NA xác định do giữa Nguyễn Văn A và đại diện gia đình chị Hồ Thị P đã thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án ghi nhận nên áp dụng quy định tại điểm f Điều 23 Chương II, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của HĐTPTANDTC quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án thì “Trước khi mở phiên tòa, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thiệt hại thì họ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Tại phiên tòa, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại thì họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp Tòa án đưa ra xét xử vụ án đó” thì Nguyễn Văn A không phải chịu tiền án phí đối với số tiền đã thỏa thuận bồi thường thiệt hại như đã thỏa thuận với đại diện gia đình chị Hồ Thị P.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề “Có tính án phí đối với số tiền còn lại chưa bồi thường hay không?” vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Việc Tòa án huyện HN, tỉnh NA không tính án phí đối với trường hợp của Nguyên Văn A là có cơ sở do quy định tại Nghị quyết 326, đồng thời trên cơ sở tôn trọng sự thỏa thuận của các bên.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Cần tính án phí đối với số tiền mà Nguyễn Văn A chưa bồi thường xong, mặc dù quy định tại Nghị quyết 326 là không phải tính án phí, tuy nhiên quy định của Nghị quyết chưa cụ thể. Thực tế có nhiều trường hợp giữa các bên đã thỏa thuận bồi thường nhưng bên bồi thường chưa bồi thường được hoặc có hiện tượng tẩu tán tài sản và khi đã thỏa thuận về bồi thường thiệt hại tuy nhiên bên bồi thường chưa bồi thường được nhưng Tòa án vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “Người phạm tội tự nguyện sữa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS là một điều bất cập.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai. Từ ví dụ nêu trên kiến nghị cẩn sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 23 Nghị quyết 326 theo đó cần quy định các trường hợp cụ thể như sau:
Trường hợp thứ nhất: Trước khi mở phiên tòa, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thiệt hại và đã bồi thường xong toàn bộ thì họ không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Trường hợp thứ hai: Trước khi mở phiên tòa, đương sự, bị cáo thỏa thuận được với nhau về việc bồi thường thiệt hại và đề nghị Tòa án ghi nhận việc bồi thường thiệt hại và đã bồi thường xong một phần thì họ phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần chưa bồi thường đó.
Trên đây là quan điểm và cách hiểu khác nhau về việc tính án phí đối với phần còn lại chưa bồi thường thiệt hại, rất mong nhận được trao đổi từ bạn đọc./.
Theo: Tạp chí Tòa án